Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông dài hơn 2.000 km, đang đầu tư và khai thác khoảng 1.300 km. Ngày 1-1, Bộ GTVT đã tổ chức khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (hơn 700 km còn lại) ở các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau.
Phải thực hiện bằng được “mục tiêu kép” ở giai đoạn 2
Ngày 22-11-2017, Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020) dài 654 km với kỳ vọng đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục xương sống Bắc - Nam. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị để khởi công dự án, chuyển đổi phương thức đầu tư mất bốn năm, còn dài hơn thời gian thi công.
Về mặt bằng dự án, các địa phương đã bàn giao được 70%, diện tích phải thu hồi còn lại không lớn nhưng rất khó khăn. Tuy nhiên, Cục Quản lý đầu tư xây dựng khẳng định Bộ GTVT đã nhận diện được vấn đề vướng mắc và rút kinh nghiệm từ các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 nên sẽ có được phương pháp tháo gỡ.
Vì vậy, đến nay ba dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa ấn định chính xác thời điểm hoàn thành. 3/8 dự án đầu tư công lẽ ra hoàn thành trong năm 2022 lại phải lùi sang năm 2023.
Nguyên nhân dự án chậm có cả khách quan và chủ quan nhưng rõ ràng sự chậm trễ của dự án trọng điểm quốc gia đã phần nào làm mất cơ hội tạo động lực và sức lan tỏa cho nền kinh tế. Điều đó được thấy rõ khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ đứng thứ bảy trong khu vực các nước ASEAN; chỉ số về chất lượng đường bộ đứng thứ 103/141 quốc gia (theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019).
Vì vậy, ngày 11-1-2022, Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần giai đoạn 2 (2021-2025) bằng nguồn ngân sách nhà nước. Song song đó, cho phép Chính phủ áp dụng các cơ chế đặc thù.
Cụ thể ở đây là chính sách chỉ định thầu, giải phóng mặt bằng đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư; triển khai đồng thời thủ tục rút gọn khảo sát, thiết kế, lập và thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật; rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ, giao trực tiếp các mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công khai thác, nâng công suất các mỏ cát tại ĐBSCL.
Nghi thức khởi công dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn. Ảnh: HUY TRƯỜNG |
Đi kèm với những thuận lợi trên, Quốc hội cũng đặt ra cho Chính phủ một yêu cầu vô cùng quan trọng đó là phải thực hiện bằng được “mục tiêu kép” ở dự án này. Cụ thể là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động hậu COVID-19.
Với sự kỳ vọng lớn này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết khi Quốc hội cho chủ trương về dự án, các ban quản lý dự án (chủ đầu tư), tư vấn và các đơn vị liên quan xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên làm ngày làm đêm để giải quyết khối công việc khổng lồ.
“Cạnh đó, các cơ chế, chính sách đặc thù cũng tạo điều kiện cho dự án sớm khởi công. Bởi theo trình tự, thủ tục đầu tư thông thường mất tối thiểu hai năm để chuẩn bị nhưng nhờ áp dụng cơ chế đặc thù và sự vào cuộc của các bộ, ngành nên thời gian đã rút ngắn còn một năm…” - ông Huy cho hay.
Các nhà thầu đều lớn mạnh
Việc khởi công dự án đúng hẹn của Bộ GTVT là điểm tích cực cho thấy sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu của Chính phủ trong việc nối thông tuyến hành lang xương sống quốc gia. Tuy nhiên, việc chỉ khởi công 12/25 gói thầu tại 12 dự án thành phần rõ ràng chưa đạt như kỳ vọng ban đầu của ngành đặt ra.
Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các ban quản lý dự án phải nhanh hơn nữa, mặt bằng có đến đâu là khởi công đến đó. “Tôi yêu cầu 13 gói thầu còn lại phải tiếp tục khởi công ngay sau đó, khởi công càng sớm càng tốt, chậm nhất dự kiến trước ngày 15-1” - ông Thắng nhấn mạnh.
Đối với các gói thầu đã khởi công, ông Lê Quyết Tiến, Quyền Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT sau lễ khởi công các nhà thầu phải triển khai thi công ngay, bám sát các mốc tiến độ, chất lượng theo yêu cầu...
Về việc lựa chọn các nhà thầu tại 12 gói thầu, ông Tiến khẳng định đây đều là các nhà thầu lớn mạnh. Bởi tiêu chí xác định nhà thầu ngoài quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản pháp luật liên quan, Ban quản lý dự án 6 được Bộ GTVT giao xây dựng bộ tiêu chí mẫu. Các cơ quan tham mưu của bộ cũng đã tham gia, thống nhất một số tiêu chí quan trọng.
Chẳng hạn, các nhà thầu phải là hạng I về yêu cầu năng lực hành nghề thi công xây dựng, khảo sát thiết kế; phải có năng lực tài chính…
Về nguồn vật liệu cho dự án, Bộ GTVT cho biết đã nghiên cứu, khảo sát, các mỏ khoáng sản hiện lớn hơn nhu cầu các dự án thành phần. Nguồn đất đắp được đảm bảo cung cấp vật liệu cho các dự án.
Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định cao tốc Bắc - Nam phía đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhất triển khai kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực rất lớn đầu tư cho hệ thống đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc” - Thủ tướng nhấn mạnh.•
Mục đích của việc nối các điểm cầu
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết đây là lần đầu Bộ GTVT tổ chức đồng loạt các dự án trải dài dọc trục xương sống Bắc - Nam và nối các điểm cầu. Mục đích để nhân dân các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đều được tiếp nhận chỉ đạo của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các vùng dự án đi qua là như nhau.
Cách thức tổ chức này cũng sẽ thống nhất nhận thức, hành động từ Bộ GTVT, địa phương, các bộ, ngành liên quan… tạo ra khí thế quyết tâm trong ngày đầu năm, thực hiện phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ dự án.