Cấp điểm cho giấy phép lái xe: Đề xuất văn minh

Mới đây, Bộ Công an có đề xuất về việc cấp điểm, trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX). theo đó, mọi GPLX sẽ có 12 điểm, mỗi lần tài xế vi phạm sẽ bị trừ cho đến khi về 0. Khi đó, GPLX sẽ bị coi là không còn hiệu lực và tài xế muốn cấp GPLX mới phải học và thi lại trong thời gian ít nhất sáu tháng kể từ ngày GPLX bị coi là không còn hiệu lực.

Nhiều ý kiến ủng hộ vì cho rằng điều này là một trong những cách xử lý khiến tài xế ý thức hơn trong việc tham gia giao thông.

Lo ngại bị trừ điểm nhầm

Anh Trần Minh Luận, một tài xế xe tải đường dài, cho rằng việc bắt buộc thi lại GPLX nếu bị trừ hết điểm là đề xuất có thể sẽ có hiệu quả. Thực tế, nhiều tài xế rất ngại phải thi lại GPLX do mất thời gian làm hồ sơ, thủ tục. Vì vậy, nhiều người sẽ chấp hành tốt hơn, từ đó giảm tai nạn giao thông.

Còn theo ông Hà Viết Nhân, một tài xế tại Hà Nội, trong lúc ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém thì những quy định nghiêm ngặt như vậy nên được áp dụng. Ông cho rằng với những tài xế hành nghề như ông, quy định mới mang lại cái lợi lớn nhất là không bị tước GPLX ngay lập tức. đồng nghĩa ông vẫn tiếp tục được lái xe (trong trường hợp điểm số vẫn còn) và sẽ không bị mất việc.

Đặc biệt, nhiều tài xế cho biết họ lo sợ sẽ bị trừ điểm nhầm. Nhất là các hành vi vi phạm bị xử lý thông qua hệ thống camera giám sát. “Tôi cho bạn mượn xe, bạn tôi lái và vi phạm, bị phạt nguội, như vậy liệu tôi có bị trừ điểm hay không? Vì camera sẽ chỉ chụp biển số xe và truy theo chủ phương tiện, chứ đâu xác định được ai là người lái” - anh Nguyễn Ngọc Thành, một tài xế công nghệ, chia sẻ.

Ông VHN, giảng viên đào tạo lái xe Trường Cao đẳng GTVT (cơ sở Thủ Đức), cho biết cũng rất ủng hộ đối với đề xuất này.

Theo ông N., cái hay của đề xuất này là kéo theo các hiện tượng lo lót lý thuyết, bao đậu hay làm giả GPLX sẽ không còn, vì khi đó mỗi tài xế có mã riêng được lưu trữ trong hệ thống dữ liệu. Tuy nhiên, ông N. cũng cho rằng nên có hướng dẫn thêm về việc nếu tài xế đã bị phạt hết 12 điểm, khi thi lại GPLX thì có cần học lại theo đúng quy định về việc đào tạo, sát hạch GPLX hay không.

Việc phải sát hạch lại giấy phép lái xe sẽ khiến tài xế lo ngại vi phạm và luôn ý thức phải chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: TUYẾN PHAN

Cần hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ

Ông Bùi Đình Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng đề xuất này phù hợp để răn đe tài xế khi tham gia giao thông.

Giải pháp xử phạt hành chính là đúng nhưng phải đưa vào trường hợp cụ thể. Đặc biệt, các trường hợp khách quan thì không nên trừ điểm mà chỉ phạt vi phạm hành chính. Còn trường hợp chủ quan, tài xế đó cố tình vi phạm thì trừ điểm là đúng đắn.

Theo luật sư Lê văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, đề xuất này có thể còn một số điểm chưa phù hợp, do hiện nay cơ sở dữ liệu vẫn còn chưa đồng bộ nên thực hiện việc này sẽ khó. “Khi hệ thống hoạt động không đồng bộ thì việc trừ điểm gần như mang tính thủ công và việc áp dụng, tra cứu cũng không hề đơn giản” - luật sư Hoan nói.

Hơn nữa, với dự thảo trên thì người vi phạm nếu bị trừ hết điểm có nghĩa là bị tước GPLX. Trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ khi nào thì người vi phạm bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Khi đó, người vi phạm không những về 0, mà còn về âm bởi phải đến sáu tháng sau mới được quyền học để thi cấp lại GPLX.

Sẽ bỏ hình thức tước giấy phép lái xe

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho biết Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nói chung và quy định về điểm GPLX nói riêng vẫn đang trong quá trình dự thảo, báo cáo Chính phủ và hoàn thiện thêm.

Dù vậy, có thể khẳng định đề xuất cấp điểm cho mỗi GPLX là một quy định văn minh, đã được tiếp thu từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Trung Quốc, Singapore…

Theo dự thảo, mỗi GPLX sẽ có 12 điểm (có thể cân nhắc, tính toán thêm), số điểm này được lưu trên hệ thống dữ liệu bằng công nghệ thông tin. Nếu luật được thông qua, các văn bản quy phạm pháp luật khác (nghị định, thông tư) được xây dựng nhằm quy định cụ thể số điểm tương ứng với mỗi hành vi vi phạm là bao nhiêu.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay Nghị định 100/2019 đã quy định việc tước quyền sử dụng GPLX đối với nhiều hành vi vi phạm, nếu lại quy định thêm việc trừ điểm rồi sát hạch lại GPLX là có sự chồng chéo. Tuy nhiên, theo Thượng tá Nhật, nhận định này chưa chính xác. Bởi nếu quy định việc cấp và trừ điểm GPLX thì sẽ bãi bỏ hình thức tước GPLX.

Ví dụ, hành vi vượt đèn đỏ (không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ) hiện nay sẽ bị xử phạt 4 triệu đồng và tước GPLX ba tháng. Nếu theo đề xuất, tài xế vẫn sẽ bị xử phạt 4 triệu đồng nhưng không bị tước GPLX nữa mà bị trừ vào số điểm của mình, 2 điểm chẳng hạn. “Như vậy, đề xuất rất nhân văn ở chỗ không tước ngay quyền lái xe của tài xế. Việc trừ điểm sẽ khiến họ suy nghĩ cẩn thận hơn, có ý thức hơn trong những lần cầm vô lăng tiếp theo” - Thượng tá Nhật nói.

Thượng tá Nhật cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh mọi ngành đều nỗ lực áp dụng công nghệ 4.0 như hiện nay, việc cấp và trừ điểm GPLX bằng công nghệ thông tin là rất hợp lý.

Đối với bản thân tài xế, họ hoàn toàn có thể truy cập hệ thống để biết mình còn bao nhiêu điểm, đã bị trừ những điểm gì. “Thông tin về số điểm sẽ được công khai, giống như việc tài xế có thể tra cứu mình có vi phạm gì hay không thông qua trang web của Cục CSGT như hiện nay” - Thượng tá Nhật giải thích.

Chốt lại vấn đề, vị CSGT cho rằng việc đề xuất cấp và trừ điểm cũng giống như mọi chế tài khác là nhằm hướng tới nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Bởi khi hết số điểm và phải sát hạch lại GPLX, tài xế sẽ rất ngại vi phạm, luôn ý thức được mình phải chấp hành các quy định về TTATGT.

Nhiều nước áp dụng hệ thống điểm phạt

Anh áp dụng hệ thống phạt theo thang điểm 12. Mỗi lỗi vi phạm sẽ tương ứng với 1-11 điểm phạt, tùy mức độ nghiêm trọng. Điểm phạt có giá trị trong ba năm nhưng lỗi vi phạm sẽ được lưu trong hồ sơ giao thông trong bốn năm (hoặc 11 năm với các lỗi nghiêm trọng). Khi bị phạt từ 12 điểm trở lên, tòa án sẽ quyết định thu hồi bằng lái của tài xế vi phạm. Trong khi đó, hồ sơ giao thông sẽ khiến tài xế gặp bất lợi khi bị truy tố tại tòa án, khi mua bảo hiểm xe hoặc khi đi xin việc.

Hầu hết các bang ở Mỹ cũng áp dụng hệ thống 12 điểm phạt. Tùy thuộc tổng điểm phạt trong hai năm, tài xế có thể bị giam bằng lái trong 30 ngày hoặc lâu hơn. Ngoài ra, một số lỗi nghiêm trọng sẽ tương ứng với 12 điểm phạt và tài xế bị tước bằng lái ngay lập tức. Để giảm tỉ lệ vi phạm giao thông, bang California và bang Massachusetts còn quy định người không vi phạm giao thông trong 5-6 năm liền sẽ được giảm giá 5%-20% tiền bảo hiểm xe.

Trung Quốc áp dụng một hệ thống khác khi giao cho mỗi tài xế 12 điểm vào ngày 1-1 hằng năm. Trong vòng một năm, nếu bị trừ hết số điểm trên, tài xế sẽ bị tịch thu bằng lái và buộc phải tham gia khóa học và bài kiểm tra mới để nhận lại bằng.

Singapore có một cách tính điểm đặc biệt hơn. Điểm phạt chỉ được xóa nếu trong 12 tháng sau lỗi vi phạm đó, tài xế không bị mắc phải điểm phạt nào khác. Đồng thời, mỗi lỗi vi phạm đều tương ứng với một khoản tiền phạt bổ sung. Để thúc đẩy người dân tôn trọng luật giao thông, Singapore giảm giá 5% tiền bảo hiểm xe cho những người không vi phạm giao thông trong ba năm liền.

VĂN KIẾM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm