Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định EU không can thiệp vào cuộc tranh luận ở Tây Ban Nha nhưng EU không muốn “ngày mai EU sẽ bao gồm 95 quốc gia thành viên”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Tôi chỉ có một người đối thoại ở Tây Ban Nha là Thủ tướng Rajoy… Có nhà nước pháp quyền ở Tây Ban Nha với những nguyên tắc hợp hiến. Ông ấy muốn tôn trọng những nguyên tắc ấy và tôi hoàn toàn ủng hộ ông ấy”. Ông lặp lại khủng hoảng Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố: “Hiến pháp Tây Ban Nha phải được tôn trọng. Trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền mà vấn đề Catalonia phải được giải quyết”.
Đức tuyên bố không thừa nhận quốc gia Catalonia độc lập. Người phát ngôn của thủ tướng Đức Steffen Seibert thông báo: “Chính phủ Đức quan ngại tình hình Catalonia trở nên nghiêm trọng. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha đang và vẫn tiếp tục không thể bị vi phạm… Chính phủ ủng hộ quan điểm rõ ràng của thủ tướng Tây Ban Nha muốn bảo đảm và khôi phục trật tự hiến pháp”. Người phát ngôn kêu gọi các bên liên quan ưu tiên đối thoại để giảm tình hình căng thẳng.
Anh đưa ra quan điểm tương tự. Người phát ngôn của chính phủ Anh tuyên bố: “Chính phủ Anh không thừa nhận và sẽ không thừa nhận tuyên bố độc lập đơn phương của nghị viện Catalonia. Tuyên bố được xây dựng trên cuộc bỏ phiếu mà tòa án Tây Ban Nha đã phán quyết là bất hợp pháp. Chúng tôi tiếp tục mong muốn nhìn thấy nhà nước pháp quyền được duy trì, hiến pháp Tây Ban Nha được tôn trọng và tính thống nhất của Tây Ban Nha được bảo vệ”.
Ngoại trưởng Ý Angelino Alfano đánh giá tuyên bố độc lập đơn phương của nghị viện Catalonia là hành vi nghiêm trọng ngoài vòng pháp luật, do đó “chúng tôi lên án mạnh mẽ và cùng lúc đó hy vọng có thể tái lập đối thoại, tôn trọng hiến pháp Tây Ban Nha để tránh leo thang căng thẳng cho người dân…”. Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã lên tiếng kêu gọi đối thoại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố: “Catalonia là một phần không thể tách rời của Tây Ban Nha. Mỹ ủng hộ các biện pháp hợp hiến của chính phủ Tây Ban Nha nhằm duy trì Tây Ban Nha vững mạnh và đoàn kết… Mỹ vui mừng với tình hữu nghị to lớn và quan hệ đối tác bền vững với Tây Ban Nha, đồng minh của Mỹ trong NATO”. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Canada thừa nhận một Tây Ban Nha thống nhất và đoàn kết.
Trong khi đó, Scotland bày tỏ thái độ ủng hộ Catalonia nhưng không thừa nhận Catalonia độc lập. Ngoại trưởng Fiona Hyslop tuyên bố: “Chúng tôi thông hiểu và tôn trọng quan điểm của chính quyền Catalonia”. Bà kêu gọi “thiết lập đàm phán để tìm lối ra tôn trọng dân chủ”. Bà đánh giá đặt Catalonia dưới sự bảo hộ của chính quyền trung ương Tây Ban Nha không phải là giải pháp.