Câu cá kênh Nhiêu Lộc: Sợi dây xấu hổ còn không?!

Nhiều ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự bất bình trước hình ảnh phản cảm này.

Câu cá kênh Nhiêu Lộc: Sợi dây xấu hổ còn không?! ảnh 1
Em rất thích câu cá. Lúc ở quê em đi ra sông hay kênh để câu. Câu cá vừa rèn luyện tính kiên nhẫn, tinh thần thoải mái vừa có cá mang về ăn. Tuy nhiên, câu cá dưới bảng cấm thì em vô cùng phản đối. Thứ nhất, là một công dân thì chỉ được làm những gì pháp luật không cấm còn đằng này bảng cấm dựng ngay trước mắt mà vẫn vi phạm là rất xấu. Thứ hai, việc chính quyền thả cá xuống để bảo vệ con kênh sạch, đẹp hơn, để mọi người cùng hưởng không khí trong lành. Vậy mà một số người lại vì sở thích, lợi ích cá nhân vô tư câu cá bên bảng cấm, nhìn rất phản cảm.

LÊ THỊ TUYẾT, sinh viên năm ba ĐH KHXH&NV TP.HCM

Con kênh Nhiêu Lộc ngày xưa ô nhiễm lắm, nhờ Nhà nước cải tạo mới được như hôm nay. Người ta thả cá xuống kênh là để cải tạo dòng nước, tạo cảnh quan đẹp, vậy mà nhiều người nỡ nào thả câu bắt cá! Bảng cấm thì đầy ra đó nhưng dân câu vẫn cứ vô ý thức. Yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, khu vực nào còn để hình ảnh này tái diễn thì chính quyền khu vực ấy phải chịu trách nhiệm.

Ông NGUYỄN NGỌC THÀNH, 125 Cách Mạng Tháng Tám, phường 9, quận 3

Câu cá kênh Nhiêu Lộc: Sợi dây xấu hổ còn không?! ảnh 3
Tôi làm bảo vệ ở khu vực này thấy ngày nào khúc kênh này cũng có người đếncâu cá. Có người câu mang về ăn, có người câu để bán và cũng có người câu chỉ để giải trí rồi thả cá xuống. Những con cá dính câu khi thả xuống nước có con vài phút sau đã chết, nổi lềnh bềnh, rất ô nhiễm. Tôi không hiểu nổi người câu nghĩ gì…

Ông NGÔ MINH ĐỨC, nhân viên bảo vệ tại cầu Lê Văn Sỹ, quận 3

Câu cá kênh Nhiêu Lộc: Sợi dây xấu hổ còn không?! ảnh 4

Bất chấp bảng cấm, nhiều người vẫn thản nhiên buông câu trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. (Ảnh chụp lúc 16 giờ 30 ngày 10-7 tại khu vực phường 13, quận 3, TP.HCM) Ảnh: MINH QUÝ

Ở đây có rất nhiều bảng cấm câu cá nhưng dân câu vẫn cứ vô tư vi phạm. Lúc trước cũng có công an phường xuống kiểm tra nhưng chỉ xử phạt hành vi đậu xe không đúng quy định chứ không phạt những người câu cá. Nhà nước đã ra bảng cấm nhưng không có quy định xử phạt nên không ai sợ.

Ông NGUYỄN VĂN MỘT,
đường Đoàn Thị Điểm, phường 1, quận Phú Nhuận

Để cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để nạo vét cho dòng kênh trở nên xanh, sạch, đẹp nhưng chính những người câu cá đã hủy hoại hình ảnh đó. Theo tôi thì Nhà nước cần nghiên cứu chấp thuận cho một số địa phương ở những trường hợp cụ thể có quyền ban hành các quy định xử lý trong một thời gian nhất định. Việc ban hành những quy định như vậy sẽ hạn chế những hình ảnh phản cảm, góp phần nâng cao ý thức người dân.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành

Việc câu cá ở các bờ kênh là một hình ảnh quen thuộc ở Sài Gòn. Tuy nhiên, không phải chỗ nào cũng có thể câu tùy tiện. Câu cá ở nơi đặt bảng cấm là một hành động sai và gây phản cảm. Những người này không thể lấy lý do là câu cá giải trí và thỏa mãn niềm vui mà bất chấp những bảng cấm của chính quyền. Họ là những người có ý thức rất kém, bất chấp tất cả chỉ để phục vụ bản thân. Vì vậy, cần phải có những quy định xử lý những trường hợp này. Trước mắt, các khu phố nên tổ chức tuyên truyền cho người dân, có như thế mới hạn chế dân câu.

Ông NGUYỄN THANH SƠN, trưởng ban quản trị chung cư
Nguyễn Ngọc Phương, Bình Thạnh

Bổ sung quy định để xử người câu cá trên kênh

Hành vi câu cá trên kênh Nhiêu Lộc cũng như các kênh rạch, ao hồ trong khu vực đô thị hiện chưa có quy định xử phạt. Vì vậy, chính quyền địa phương nơi quản lý kênh rạch chỉ có thể vận dụng các quy định pháp luật liên quan khác để xử phạt về giao thông, trật tự đô thị đối với người đi câu cá.

Câu cá là một thú vui tao nhã nhưng người câu cá nên để ý đến việc được phép câu ở đâu, thời gian nào, cá loại nào, số lượng bao nhiêu… để không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, môi trường và vi phạm pháp luật. Đành rằng hiện giờ không xử phạt được hành vi câu cá ở kênh rạch nhưng hình ảnh câu cá ngay bên bảng cấm thì quá phản cảm.

Vậy cấm đánh bắt cá có thời hạn được không? Được nhưng nếu họ vi phạm thì cũng không xử phạt được. Điểm d khoản 4 Điều 8 Luật Thủy sản năm 2003 quy định: “Bộ Thủy sản định kỳ công bố: Khu vực cấm khai thác và khu vực cấm khai thác có thời hạn. Trường hợp cần thiết và được sự đồng ý của Bộ Thủy sản, UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương công bố bổ sung những nội dung quy định tại khoản 3 điều này cho phù hợp với thực tế hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản tại địa phương”.

Theo đó, UBND TP.HCM có thể cấm có thời hạn hoạt động khai thác thủy sản trên các kênh rạch trong đô thị tại TP.HCM nếu được sự chấp thuận của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, hành vi vi phạm về thời gian cấm khai thác (câu cá khi có lệnh cấm) thì lại không thể xử phạt được vì Nghị định 103/2013 không quy định. Như vậy, để giải quyết triệt để tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản trên các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé thì cần bổ sung biện pháp xử phạt đối với hành vi câu cá, khai thác, đánh bắt thủy sản trên các kênh rạch, ao hồ trong khu đô thị vào Nghị định 103.

Tháng 9-2014, UBND TP cũng đã chỉ đạo các sở nghiên cứu đề xuất biện pháp xử lý hành vi câu cá trên kênh rạch. Sở Tư pháp đã báo cáo, tham mưu cho UBND TP để TP đề xuất Chính phủ bổ sung biện pháp xử phạt đối với hành vi câu cá, khai thác, đánh bắt thủy sản trên các kênh rạch, ao hồ trong khu đô thị vào Nghị định 103 nói trên.

Tuy nhiên, ngày 23-6, UBND TP chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở Xây dựng, GTVT, TN&MT nghiên cứu các quy định liên quan đến quản lý đô thị (thuộc lĩnh vực kênh rạch trong TP) về nước thải, rác thải, cây xanh… trong đó có hành vi câu cá. Nếu chưa có quy định quản lý, xử phạt thì đề xuất, trình UBND TP để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung để làm căn cứ pháp lý xử lý. Hiện nay, Sở Tư pháp đã triển khai chỉ đạo trên và đang tổng hợp các ý kiến để báo cáo UBND TP.

Đồng thời, UBND TP cũng chỉ đạo các sở khác bổ sung hành vi vi phạm quy định về câu cá vào tiêu chí đánh giá của ngành mình như Sở VH-TT bổ sung vào tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh đô thị; Sở Du lịch nghiên cứu tổ chức các hoạt động du lịch trên kênh rạch và vận động khuyến khích thả cá để xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần giáo dục hành vi không đúng trong câu cá…

NGUYỄN THỊ KIM LIÊN, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM

KIM PHỤNG ghi

Cần quy định nơi nào được câu cá

Hiện nay, dọc theo các bờ kênh là bảng cấm đánh bắt cá dưới mọi hình thức do UBND các địa phương dựng lên. Nhưng do chưa có quy định xem những hành vi này là vi phạm pháp luật nên đa số các địa phương chỉ mới nhắc nhở chứ chưa xử phạt được. Tôi nghĩ HĐND có thể ra nghị quyết quy định một số yêu cầu đối với công dân, trong đó có việc cấm câu cá ở những khu vực nhất định. Ngoài ra, nghị quyết này cũng nên quy định rõ những loài cá được câu và số lượng mỗi lần câu là bao nhiêu để đảm bảo các loài cá được sống, phát triển nhằm cân bằng hệ sinh thái.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm