Sự hiện diện của Hồ Tuấn Tài trong thành phần U-19 Việt Nam là cơ hội và may mắn không nhỏ của cầu thủ trẻ mới 17 tuổi này. Nó cũng giống ông anh họ của Tài trước đây là Phạm Văn Quyến trong thành phần U-16 Việt Nam đã có đất diễn tại giải trẻ châu Á và được xem là “thần đồng”. Và cũng nhờ cái mác đó mà hồi đấy Quyến lên rất nhanh và nhận nhiều ưu ái trong giáo án huấn luyện đặc biệt có cả đốt giai đoạn để sớm hòa nhập với những cầu thủ đàn anh.
Cú quăng người vô-lê của Tuấn Tài và cách ăn mừng bàn thắng. Ảnh: ANH ĐỒNG
Xem Tuấn Tài thi đấu thấy cầu thủ này xử lý trái bóng thật đơn giản cứ như là đang chơi bóng. Nếu các đồng đội quanh Tài như Công Phượng, Xuân Trường... là những cầu thủ ăn, ngủ ở lò HAGL - Arsenal JMG suốt bảy năm ròng thì Tuấn Tài lại y hệt như những hạt “lúa trời” mà lò SL Nghệ An từng sản sinh ra những Quốc Vượng, Văn Quyến, Công Vinh…
Nhìn đôi chân Tài và cái cách ghi bàn lại nhớ lứa U-16 Việt Nam ngày nào đá giải châu Á năm 2000 làm mưa làm gió và được xem là sức sống mới của bóng đá Việt Nam ở tương lai. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh Văn Quyến hồi đấy ngồi thu mình ở khách sạn Hải Vân (Đà Nẵng) lạ lẫm với từng câu hỏi mà báo giới tìm đến Quyến, đến độ ông trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh phải đỡ lời: “Em nó ngây ngô lắm chẳng biết gì đâu!”.
Tuấn Tài bây giờ có điểm khác với Quyến hồi đó là ăn nói hoạt bát hơn, mặt lanh hơn và cũng có vẻ “lì” hơn so với Quyến hồi khoác áo U-16. Tuy nhiên, điều đấy lại không đáng lo bằng việc sau khi được ghi nhận là tài năng hòa nhập tốt, Tài sẽ sống tiếp quãng đời còn lại và được tạo điều kiện trong một môi trường như thế nào. Liệu khi Tài là cầu thủ trưởng thành ngoài lò HAGL - Arsenal JMG thì cầu thủ này có miễn nhiễm với những môi trường xấu mà nhiều CLB hay chịu ảnh hưởng không.
Còn nhớ hồi đấy với đội U-16 Việt Nam sau vòng chung kết U-16 châu Á năm 2000, trong ban huấn luyện xì xào chuyện phát hiện hai cầu thủ sinh hoạt khá tùy tiện và… nghiện hút. Sau đó thì không thấy hai cầu thủ này trong thành phần U-16 nữa. Rồi năm năm sau thì chính trong lứa U-16 đấy có một số cầu thủ tham gia bán độ ở Bacolod - Philippines 2005. Bán chỉ với một suy nghĩ đơn giản vừa có thêm chút tiền vừa đảm bảo đội vẫn thắng để vào bán kết SEA Games.
Nhắc lại chuyện xưa để thấy rằng phát hiện ra một tài năng vừa khó vừa mừng bao nhiêu thì giữ để các tài năng đấy mọc thẳng lại càng khó hơn gấp bội.
Trở lại với Hồ Tuấn Tài, một cầu thủ lớn lên từ vùng quê nghèo như Quyến và cũng vào môi trường bóng đá như Quyến rồi khoác áo đội tuyển trẻ và thể hiện những tố chất bẩm sinh như những cầu thủ đàn anh ở độ tuổi đấy. Phần còn lại bây giờ là môi trường để phát huy tài năng và song song đó là đức độ, là ý thức của một cầu thủ trẻ chuẩn bị bước vào đời sống bóng đá chuyên nghiệp. Điều đấy nếu Phạm Văn Quyến trước đây không được nuông chiều quá đáng và không được người lớn bao che những hành vi xấu (như từng vi phạm ở JVC Cup 2003) thì chắc chắn bây giờ Quyến đã không giải nghệ sớm.
Hy vọng Tuấn Tài sẽ nhìn vào bài học của anh mình và của nhiều cầu thủ đàn anh khác để đừng bước vào vết xe đổ và tự hoàn thiện mình bất chấp sống và thở trong môi trường nào.
NGUYỄN NGUYÊN