Cầu Cổ Chiên là một trong bốn cầu lớn trên Quốc lộ 60 (gồm cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, cổ Chiên và Đại Ngãi- đang xúc tiến đầu tư). Đây cũng là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa Quốc lộ 60 với các tuyến quốc lộ thuộc hành lang duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm các tỉnh: Tiền Giang, Ben Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng).
Cầu Cổ Chiên vượt sông Cổ Chiên trên Quốc lộ 60, cách bến phà hiện hữu khoảng 3,6 km về phía hạ lưu, thuộc địa phận huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre và huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh.
Dự án cầu Cổ Chiên bao gồm Dự án thành phần 1 – cầu chính được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 2,308 tỷ đồng (vốn BOT: 1,244 tỷ đồng, ngân sách nhà nước: 1,044 tỷ đồng) được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực có tổng chiều dài gần 1,6km, nhịp chính thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, 24 nhịp cầu dẫn bằng dầm bê tông cốt thép dự ứng lực kết cấu giản đơn bằng dầm SuperT, dài L=40m, tĩnh không thông thuyền (25x120)m; Dự án thành phần 2 đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tổng mức đầu tư khoảng 997 tỷ đồng.
Sau gần 2 năm triển khai thi công, công trình đã hoàn thành và chính thức được khánh thành đưa vào sử dụng. Việc thông xe cầu Cổ Chiên có ý nghĩa rất quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng không chỉ đối với Bến Tre, Trà Vinh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mà còn đối với cả nước, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông.
Dưới đây là một số hình ảnh trên công trình cầu Cổ Chiên trước giờ khánh thành, thông xe mà PV Báo Pháp luật TP.HCM ghi nhận vào chiều và tối 15-5.
Lu lèn, thảm nhựa, vệ sinh phần đường dẫn bờ Trà Vinh. Ảnh: Gia Tuệ.
Niềm vui của lão nông Sáu Nị khi tham quan cầu chiều 15-5. Ảnh: Gia Tuệ.
Kiểm tra điện chiếu sáng trên tuyến đường dẫn. Ảnh: Gia Tuệ.
Hoàn thiện một số hạng mục trên mặt cầu và lan can. Ảnh: Gia Tuệ.
Gắn bảng cầu ở bờ Bến Tre. Ảnh: GIa Tuệ.
Nụ cười của công nhân cầu Cổ Chiên khi cầu sắp chính thức thông xe . Ảnh: Gia Tuệ.