Ngày 14/7, ông Trang Bảo Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, thành phố đang xúc tiến xây dựng cầu vượt bộ hành bắc ngang sông Sài Gòn và đánh giá đây sẽ là điểm nhấn cho khu đô thị Thủ Thiêm nói riêng và toàn thành phố nói chung.
Hiện dự án trong giai đoạn chuẩn bị khảo sát, thiết kế và lựa chọn nhà đầu tư. Thành phố đã đồng ý cho liên danh gồm 3 Công ty: TNHH phát triển Bắc Việt, Cổ phần dịch vụ đầu tư Đăng Cơ và Tập đoàn Indochina Capital nghiên cứu đề xuất dự án.
Phối cảnh cầu đi bộ băng qua sông Sài Gòn.
Theo thiết kế ban đầu, cầu đi bộ băng qua sông Sài Gòn sẽ dài 360 m, rộng khoảng 80-100 m, hình chữ S cách điệu tượng trưng cho hình ảnh đất nước Việt Nam. Đường uốn lượn của sông Sài Gòn có trụ tháp nghiêng tạo góc nhìn mở - cách điệu từ hình ảnh cây tre Việt Nam.
Ngoài ra, do chức năng chính của cầu đi bộ là phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, đi lại, thưởng ngoạn và tổ chức lễ hội, cầu lại khá dài nên thiết kế sẽ có những điểm dừng để hành khách có thể ngắm được các góc đẹp của sông Sài Gòn. Hoặc cầu sẽ được bố trí mái che, các băng chuyền phục vụ người lớn tuổi, trẻ em và người khuyết tật…
Trong quá trình thiết kế, các giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân phòng khi di tản nhanh, lượng người tập trung quá đông vào các dịp lễ hội… cũng được tính đến.
Liên danh và tư vấn đang nghiên cứu để bổ sung các ý tưởng mang tính đặc trưng của văn hóa dân tộc như chim Lạc, thuyền rồng, trống đồng và các đặc trưng vùng đất Nam Bộ cách điệu (cầu tre, cầu khỉ…). Tháng 9 tới, dự án sẽ được trình UBND phê duyệt.
Trước đó, Công ty tư vấn Deso (Pháp), đơn vị đoạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế quảng trường trung tâm khu đô thị mới và công viên bờ sông, đề xuất sẽ xây dựng 2 cây cầu vượt bộ hành băng qua sông Sài Gòn nối với đô thị mới theo hình dáng 2 cánh tay dang ra đón người dân. Đề xuất này cũng đã được các sở ngành liên quan thống nhất thông qua.
Cầu đi bộ sẽ là biểu tượng văn hóa của TP HCM trong tương lai.
Tuy nhiên trước mắt, UBND cho phép triển khai nghiên cứu xây dựng tuyến cầu đi bộ đầu tiên tại vị trí là cuối đường Đồng Khởi (quận 1) đến điểm phía nam quảng trường trung tâm đô thị mới.
Tuyến cầu còn lại phục vụ người dân từ hướng quận Bình Thạnh và các vùng ven, nối với phía bắc quảng trường trung tâm khu đô thị mới sẽ được nghiên cứu sau khi quảng trường đã hình thành để phù hợp với từng giai đoạn của khu đô thị mới.
Tại cuộc họp của UBND thành phố về phương án cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân bày tỏ: "Cầu đi bộ nối quận 1 với trung tâm đô thị mới có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện diện mạo của một khu đô thị mới, kết nối các công trình kiến trúc hiện tại với tương lai. Do vậy, kiến trúc của cầu phải hài hòa với không gian và cảnh quan đô thị, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người đi bộ và là nét văn hóa tiêu biểu của thành phố”.
Theo Hữu Công (VNE)