Cầu Bình Lợi hoàn thành tháng 2-1902, là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, kết nối Sài Gòn với miền Đông, miền Trung và các tỉnh phía bắc.
Cầu được kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán ri vê, mặt cầu bằng gỗ tấm lớn và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn, Thủ Đức và Biên Hòa.
Cầu có một nhịp quay 90 độ (do hãng thầu Levalllois Perret thi công), dài 276 m, gồm sáu nhịp.
Theo các nhà sử học, cầu sắt Bình Lợi chứng kiến thăng trầm của Sài Gòn. Là một chứng nhân lịch sử qua bao cuộc kháng chiến, là mối liên kết Sài Gòn với các vùng lân cận miền Đông.
Bên cạnh những cây cầu hơn 100 tuổi ở Sài Gòn như cầu Nhị Thiên Đường, cầu Phú Long, cầu sắt Bình Lợi đã để lại bao ký ức trong lòng người dân Nam bộ khi đến đất Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp.
Phần mặt cầu dành cho xe máy đi trước đây bị hư hỏng, phải thay thế bằng tấm thép.
Sắt thép cầu hoen gỉ và đổi màu theo thời gian.
Phần thép hư hỏng bên ngoài một trụ cầu.
Vài năm trở lại đây, giao thương đường thủy phát triển, các tàu thuyền chở hàng hóa từ sông Sài Gòn hướng đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… ngày một lớn trong khi tĩnh không cầu thấp, chỉ 1,8 m, khiến tàu thuyền qua lại khó khăn.
Trước tình hình trên, TP.HCM đã trình Chính phủ cho phép làm cầu đường sắt mới thay thế cầu Bình Lợi.
Sau khi cầu sắt mới đưa vào sử dụng, cầu sắt Bình Lợi cũ sẽ tháo bỏ vì lý do an toàn. Tuy nhiên, một số sở, ngành và đông đảo ý kiến người dân đề xuất TP giữ lại để bảo tồn vì giá trị lịch sử của cây cầu.
Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi.
Cụ thể, bảo tồn nguyên trạng hai nhịp cầu, trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh phía quận Thủ Đức. Điều này nhằm lưu giữ lại dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian nước để phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch.
Những thanh dầm, mái vòm của hai nhịp cầu này dày đặc đinh tán chưa bị hư hại.
Tháp canh cao gần chục mét nằm bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh cũng được bảo tồn. Xung quanh tháp thiết kế các cửa sổ khung sắt, lỗ châu mai cùng mặt tường còn dòng chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948".
Đối với kết cấu cầu Bình Lợi đề nghị bảo tồn, UBND TP.HCM sẽ bố trí kinh phí thực hiện công tác bảo tồn và phân cấp cho cơ quan, đơn vị có chức năng thực hiện quản lý, duy tu, bảo dưỡng và vận hành khai thác theo quy định.
Đồng thời, UBND TP.HCM đề nghị Bộ GTVT bàn giao lại cho TP quản lý phạm vi khu vực cầu đường sắt Bình Lợi cũ (phía quận Bình Thạnh) sau khi hoàn thành tháo dỡ công trình để nghiên cứu, xây dựng bến đường thủy nội địa phục vụ giao thông vận tải bằng đường thủy.
Cầu sắt Bình Lợi mới sau nhiều lần trễ hẹn, đến nay cầu vẫn đang được gấp rút hoàn thiện.