“Cẩu tặc” lộng hành: Khó xử lý hình sự

Pháp luật hiện nay định giá một con chó không đến 2 triệu đồng nên trộm chó được xem là “trộm vặt”, chỉ phạt hành chính chứ không xử lý hình sự.

“Hiệp sĩ” bắt, công an thả

“Hiệp sĩ” Lương Văn Hóa, CLB Phòng chống tội phạm xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát - Bình Dương, cho biết anh và nhiều thanh niên khác đã phục bắt hơn 10 vụ trộm chó và bàn giao cơ quan công an nhưng đến nay không có vụ nào được xử lý hình sự. Mới đây, trước bức xúc của người dân về việc “cún cưng” liên tục bị trộm, anh Hóa cùng nhiều “hiệp sĩ” khác đã thức trắng, tuần tra liên tục và bắt được 3 “cẩu tặc”. Thế nhưng sau khi được dẫn giải về trụ sở công an, các đối tượng trên đã được thả vì giá trị tang vật không đủ mức để xử lý hình sự. “Có đối tượng bị bắt với tang vật gồm nhiều con chó nhưng do định giá 30.000 đồng/kg chó hơi nên khi cộng dồn vẫn không đủ 2 triệu đồng, thế là công an thả” - anh Hóa nói.

Một “cẩu tặc” được người dân bàn giao Công an phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An - Bình Dương nhưng không bị xử lý hình sự vì tang vật trộm chưa đến 2 triệu đồng. Ảnh: Như Phú

Một cán bộ Công an huyện Châu Thành - Sóc Trăng cho biết “cẩu tặc” bây giờ rất tinh ranh, chúng chia ra rất nhiều nhóm và liên tục thay đổi địa bàn nên rất khó xác định kẻ khả nghi để theo dõi, truy bắt. Khi bắt được thì cũng rất khó xử lý hình sự mà chỉ phạt hành chính vì nhiều lý do. Thứ nhất, hầu như bọn trộm chó có “thỏa thuận” với nhau bằng cách hoán đổi địa bàn hoạt động nhằm đánh vào tâm lý ngại đi xa xác minh của lực lượng công an. Thứ hai, tang vật thu được (chó) thường bị bọn trộm khai địa chỉ “ma” nên công an rất khó tìm ra bị hại để lấy lời khai. Thứ ba, tất cả loại chó (kể cả chó quý hiếm) đều được cân ký đánh đồng nên nhiều vụ trộm giá trị không quá 2 triệu đồng nên công an chỉ phạt hành chính rồi cho về.

Chống trả quyết liệt

Việc rất ít “cẩu tặc” bị xử lý hình sự đã khiến nạn trộm chó bùng phát mạnh với hành vi dữ tợn. Theo “hiệp sĩ” Lương Văn Hóa, “cẩu tặc” đã hình thành băng nhóm, dùng súng điện, ná, bột ớt… để săn chó và chống trả khi bị phát hiện, rượt đuổi. Trước đây, tại xã Hòa Lợi, “hiệp sĩ” Trần Thanh Phong trong lúc đuổi theo những đối tượng trộm chó đã bị chúng dùng súng điện bắn trả nên ngã xe phải vào bệnh viện cấp cứu. “Khi bị xử phạt hành chính thì “cẩu tặc” chỉ nộp từ 2 triệu đồng trở xuống trong khi thu nhập hằng đêm của chúng có lúc tới 10 triệu đồng” - anh Hóa nói.

Không chỉ chống trả người dân và các “hiệp sĩ”, đối tượng trộm chó còn đánh cả công an. Tối 28-11, tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh - Hà Nội, người dân phát hiện một số “cẩu tặc” nên truy đuổi. Các đối tượng này chạy trốn và bỏ lại chiếc xe máy. Nhận tin báo, ông Đàm Văn Thìn, Trưởng Công an xã Tráng Việt, có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, khi ông Thìn dắt chiếc xe máy về trụ sở công an xã thì bị 4 đối tượng (2 nam, 2 nữ) chặn đường. Sau khi giả vờ hỏi vài câu, một tên đã bất ngờ rút dao đâm vào lưng ông Thìn. Cú đâm khiến ông Thìn phải khẩu 7 mũi tại Bệnh viện huyện Mê Linh. Trước đó không lâu, Phạm Văn Bính (SN 1968, ngụ xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm - Hưng Yên) đến xã Tàm Xá, huyện Đông Anh - Hà Nội trộm chó, khi đi qua thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc thì bị người dân bắt giữ. Công an xã Vĩnh Ngọc đến đưa Bính về trụ sở làm việc thì Đặng Văn Miền xông vào chửi bới, cướp tang vật.

Xử “nóng” cẩu tặc

Để ứng phó với nạn trộm chó, người dân ở một số địa phương đã tự tổ chức lực lượng tại chỗ để truy bắt. Có nhiều trường hợp người dân vây đánh “cẩu tặc” đến chết chứ không chịu giao cho công an.

Rạng sáng 17-10, 4 “cẩu tặc” Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Đức Cường và Nguyễn Văn Long (cùng ngụ huyện Thanh Chương - Nghệ An) bị người dân đốt xe, “đánh hội đồng” đến ngất xỉu. Trước đó, chiều 29-8-2010, hai “cẩu tặc” Nguyễn Đình Dũng và Nguyễn Đình Hồng (quê Nghi Lộc – Nghệ An) bị người dân đánh chết. Rạng sáng 7-6-2010, “cẩu tặc” Nguyễn Đình Phong (quê Nghi Lộc - Nghệ An) được phát hiện đã bị thiêu chết tại cánh đồng xã Hưng Đông, TP Vinh - Nghệ An.

Ông Lương Đức Túy, Trưởng khu phố Bình Đường 3, phường An Bình, thị xã Dĩ An - Bình Dương, cho biết một người đi đường đã bị người dân đánh suýt chết vì mặc áo giống “cẩu tặc” đang bị truy đuổi. “Lần đó, tôi phải bỏ tiền túi để lo thuốc thang cho người bị đánh nhầm” - ông Túy kể.

Trang bị hung khí

Ông Nguyễn Thiện Tâm, Phó Viện trưởng VKSND thị xã Dĩ An - Bình Dương, cho rằng lượng chó tang vật thu giữ dù có giá trị dưới 2 triệu đồng vẫn có thể xử lý hình sự đối với “cẩu tặc” nếu đối tượng này đã có tiền án hoặc từng bị xử phạt hành chính về hành vi trộm chó.

Theo ông Tâm, việc định giá lượng chó tang vật cũng không thể tiến hành qua loa, trong nhiều trường hợp phải thành lập hội đồng.

Theo ông Võ Văn Còn, một cán bộ ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng - TP Cần Thơ, luật nên điều chỉnh hành vi trộm chó là cướp tài sản để xử lý nghiêm bằng hình sự. Theo ông Còn, đa số “cẩu tặc” đều trang bị hung khí như súng bắn điện, chĩa… để vừa bắn chó vừa sẵn sàng chống trả mỗi khi bị truy bắt.

Theo Nhóm phóng viên NLĐ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới