Nghị định 58/2018 quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.
Theo đó, nhưng đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau; vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm; nuôi trồng thủy sản; tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra.
Ảnh minh họa
Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường sẽ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Các rủi ro được hỗ trợ bảo hiểm bao gồm: Rủi ro thiên tai; rủi ro dịch bệnh và dịch hại thực vật.
Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế.
Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thu hồi cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại sau khi đã bồi thường toàn bộ theo giá thị trường của cây trồng, vật nuôi, thủy sản.