Hình ảnh chụp thấy rõ đây là ghế Sweetbox (ghế dành cho các cặp đôi với vách ngăn riêng tư) thuộc hệ thống rạp CGV của Công ty CJ CGV Việt Nam. Những hình ảnh này cho thấy người trong ảnh với nhiều tư thế và nhìn rất rõ mặt.
Sẵn sàng chịu trách nhiệm với khách hàng
Sau khi những hình ảnh nhạy cảm của cặp đôi được tung lên mạng, nhiều vấn đề về bảo mật thông tin khách hàng, cả về đạo đức lẫn khía cạnh pháp lý được đặt ra.
Về việc tại sao hình ảnh từ hệ thống camera giám sát khách hàng lại xuất hiện trên mạng, đại diện CGV đã trả lời báoPháp Luật TP.HCM qua thư điện tử rằng: “Công ty chúng tôi có quy trình chặt chẽ trong việc đảm bảo quyền lợi thông tin của khách hàng. Đây là hình ảnh được chụp từ camera trong rạp của chúng tôi trước đó. Mục đích đặt camera để kiểm soát các vấn đề an ninh hay ghi nhận lại những sự cố ngoài ý muốn cần xử lý nếu có. Chúng tôi chỉ sử dụng hình ảnh từ camera cho các mục đích trên, không sử dụng cho các mục đích khác. Chúng tôi rất bất ngờ và lấy làm tiếc về sự việc này. Điều này chưa từng xảy ra ở CGV từ trước đến nay”.
“Trong ngày hôm qua (30-7), CGV đã làm việc và tạm thời đình chỉ công việc nhân viên chia sẻ hình ảnh khách hàng này. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ khách hàng và các bên liên quan xung quanh vụ việc” - đại diện CGV cho hay.
Cặp đôi với hình ảnh thân mật quá đà trên ghế Sweetbox bị nhân viên CGV chụp lại từ màn hình camera giám sát. Ảnh: Tư liệu
Nhân viên rạp khó phát hiện sự cố bất ngờ
Khẳng định sự việc diễn ra tại rạp của CGV, tuy nhiên CGV từ chối cung cấp tên cụm rạp. Liên quan đến quy định các hành vi ứng xử cho khách hàng trong quá trình xem phim, cách chăm sóc khách hàng của nhân viên trong rạp ra sao để diễn ra tình trạng này, đại diện CGV trả lời: “Các quy định về văn hóa xem phim đều được CGV phổ biến rất rõ cho khách hàng tại các ấn phẩm trong rạp và clip phổ biến nội quy rạp chiếu trước mỗi giờ chiếu phim.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình chiếu phim, nhân viên rạp sẽ quản lý chung các hoạt động trong phòng chiếu để tránh các hành vi gây rối, mất trật tự hoặc các sự cố ngoài ý muốn xảy ra với khách hàng. Cụ thể, nhân viên sẽ luân phiên ra vào rạp trong một khoảng thời gian cố định để kiểm tra tình hình rạp chiếu và lưu ý đến khách hàng nếu cần bất kỳ hỗ trợ nào từ bộ phận rạp, cũng như nhắc nhở các khách hàng có những hoạt động gây ảnh hưởng đến không gian chung khi xem phim. Tuy nhiên, việc ra vào rạp sẽ được duy trì ở mức cố định để tránh ảnh hưởng đến khách hàng khi xem phim”.
Đại diện CGV cũng khẳng định họ tin tưởng khách hàng đến rạp chiếu phim là những người văn minh, có ý thức cao và có hành vi cư xử đúng mực. “Chúng tôi luôn nỗ lực để mang đến cho khách hàng trải nghiệm điện ảnh tốt nhất. Ngoài ra, chúng tôi mong đợi các khách hàng hỗ trợ và hợp tác tuân thủ đúng quy định rạp chiếu đưa ra nhằm xây dựng môi trường văn hóa-giải trí văn minh, lành mạnh” - đại diện CGV nhấn mạnh.
Đôi nam nữ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại Trong sự việc này, tôi cho rằng hành vi của cặp đôi có thể vi phạm về khía cạnh văn hóa, đạo đức nhưng mặt khác hình ảnh của họ thuần túy là chuyện đời sống riêng tư, cá nhân. Vì vậy, việc ai đó phát tán hình ảnh thân mật của họ lên mạng xã hội là sai, xâm hại đến quyền nhân thân của họ. Hành vi này là ác ý, thậm chí có dấu hiệu xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm. Đôi nam nữ bị phát tán hình ảnh có quyền yêu cầu rạp xác minh, xử lý trách nhiệm cá nhân và bồi thường thiệt hại về danh dự, quyền nhân thân đối với hình ảnh, bí mật đời tư của mình. Đồng thời có thể yêu cầu (thông qua tòa án nếu không đạt được thỏa thuận) những bên phát tán hình ảnh trên mạng xã hội phải gỡ hình ảnh đó. Luật sư TRẦN HỒNG PHONG, Công ty Luật Ecolaw Pháp luật bảo vệ quyền nhân thân Tại Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền nhân thân và được pháp luật bảo vệ. Đó là: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32), quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34), quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (Điều 38). |