Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Ủy viên Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện, cho biết những thông tin mà mạng xã hội và một số tờ báo mạng đưa tin rằng bộ phim Điệp vụ biển đỏ tuyên truyền thô lỗ và kệch cỡm với mục đích dằn mặt các bên về chủ quyền biển đảo”, hay “phim nói biển Đông thuộc Trung Quốc” là không có trong phim và hoàn toàn suy diễn (?!).
Theo Cục Điện ảnh, bộ phim Điệp vụ biển đỏ do hãng Bona Film Group của Trung Quốc sản xuất năm 2017, có độ dài 133 phút và được Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam trình thẩm định xin cấp giấy phép phổ biến phim tại Việt Nam.
Nội dung của bộ phim xoay quanh câu chuyện về lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ giải cứu con tin là những kiều dân ở một nước Trung Đông và tiêu diệt bọn khủng bố đang âm mưu sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt thế giới.
Ngày 2-3-2018, Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện với 7/11 thành viên đã xem và thẩm định phim Điệp vụ biển đỏ (bốn thành viên vắng có lý do), trong đó có các thành viên là lãnh đạo cấp vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; phó cục trưởng Cục Điện ảnh; phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các nhà chuyên môn uy tín.
Hội đồng đã thẩm định và phân loại bộ phim theo đúng trình tự và quy định hiện hành. Sau khi thẩm định và phân loại, bộ phim được 100% thành viên hội đồng đề nghị cho phép phổ biến với điều kiện cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Ngày 15-3-2018, bộ phim được cấp giấy phép phổ biến phim số 39/GPPBP-CĐA/A2018.
Hình ảnh trong phim Điệp vụ biển đỏ.
Tại Việt Nam, bộ phim được phát hành ngày 16-3-2018. Sau một tuần công chiếu, khán giả không có ý kiến phản hồi trái chiều về bộ phim. Do vắng khách, nhiều rạp đã ngừng chiếu.
“Trên thực tế, những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim tập trung vào hai nội dung nêu trên như bài viết quy kết. Theo đó, bài viết mang tính suy diễn chủ quan, kích động, kéo theo một số bài trên các báo khác, gây ra nhiều thông tin trái chiều, sai lệch trong dư luận, đồng thời tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội” - bà Lý Phương Dung cho biết.
Theo bà Lý Phương Dung, trên thực tế, đoạn cuối phim chỉ có 36 giây, thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực biển Đông và thấy vài chiếc tàu từ xa, hình dáng những chiếc tàu này không rõ nét. Loa từ tàu Trung Quốc phát ra: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”.
Trả lời về việc dừng chiếu bộ phim Điệp vụ biển đỏ, đại diện Cục Điện ảnh cũng khẳng định việc dừng chiếu thuộc thẩm quyền của nhà phát hành và theo luật, họ không có trách nhiệm báo cáo với Cục Điện ảnh.
Bà Lý Phương Dung cũng khẳng định Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện đã làm việc hết sức cẩn trọng, công tâm, trong phim có nhiều cảnh bạo lực nên đã phân loại hạn chế người xem dưới 18 tuổi.
Trước đó, trên mạng xã hội và một số báo cho rằng bộ phim Điệp vụ biển đỏ của Trung Quốc tuyên truyền thô lỗ và kệch cỡm về chủ quyền biển đảo sai lệch nhưng có lợi cho Trung Quốc (và không có lợi cho Việt Nam), đặc biệt là đoạn cuối phim.