Anh là giám đốc một công ty dịch vụ ở TP.HCM. Chị làm việc cho một công ty nước ngoài. Năm 2008, hai người nên nghĩa vợ chồng. Năm 2010, con trai lớn anh chị chào đời cũng là lúc những mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân bắt đầu phát sinh.
Anh cứ mải mê với những mối quan hệ bên ngoài, không màng đến vợ con. Những lần con ốm, con đau một mình chị lo lắng. Chị nghĩ anh lo việc công ty, chị ở nhà, làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ thì gia đình sẽ hạnh phúc. Cho đến khi con trai thứ hai chào đời...
Con sốt cao, phải nhập viện, anh chỉ ghé qua rồi bỏ đi dự tiệc thôi nôi. Một mình ôm hành lý, bế con vào phòng cấp cứu mà chị tủi thân. Nhắc khéo, anh nói: ''Sao không để con ở nhà, đưa đến bệnh viện chi rồi than''. Anh lẳng lặng bỏ đi.
Kêu đưa tiền lo cho con, anh xỉ vả, miệt thị. Chị uất hận, nghẹn ngào. Ly hôn là cách duy nhất mà chị chọn. Tòa sơ thẩm tuyên ly hôn và giao hai con cho chị nuôi.
Hiện chị đã đưa hai con về Bình Dương sống cùng ông bà ngoại. Cuộc sống của ba mẹ con luôn vui vẻ, thoải mái. Các con thương yêu nhau và phát triển tốt.
Anh phản đối, cho rằng chị về quê là cố tình không cho cha con anh gặp nhau. Mỗi lần anh xuống thăm con là bị người nhà chị làm khó. Chị phân trần, trước đây vì còn giận nên đã không cho anh gặp con, nhưng giờ thì khác rồi.
Chị đã nhận ra rằng cuộc hôn nhân của mình đổ vỡ nhưng các con phải được sống trong tình yêu thương của cha và mẹ. Nghĩ vậy, nhiều lần chị đã chủ động nhắn tin cho anh xuống gặp con.
Thu nhập của chị hơn 23 triệu đồng/tháng nên không cần anh phải cấp dưỡng. Hai con đang học ở trường quốc tế. Chị cũng hay giành thời gian tâm sự cùng con, kể cho con nghe những câu chuyện về ba. Sau này, khi con lớn, muốn về ở với cha, chị sẽ tạo mọi điều kiện.
Anh khẳng định, việc cho con học ở Bình Dương không tốt bằng ở TP.HCM. Bởi anh đang có mối quan hệ rất tốt với ban giám hiệu một trường quốc tế gần nhà nên cho con học trường đó sẽ tốt hơn.
''Tôi làm giám đốc ở công ty, thu nhập mỗi tháng hơn 60 triệu đồng cộng thêm 15 triệu đồng/tháng làm thêm việc tư vấn kỹ thuật cho công ty khác. Với thu nhập đó, tôi sẽ lo hết cho con'' - anh nói.
Anh cũng cho rằng chị làm nhân viên văn phòng nên không có thời gian chăm con. Còn anh là ông chủ nên thời gian chủ động hơn, sẽ giành cho được con nhiều.
Tuy nhiên, tòa tìm hiểu và nhận ra theo báo cáo tài chính trong những năm gần đây, công ty của anh liên tục bị thua lỗ. Cụ thể năm 2013, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty lỗ hơn 161 triệu đồng. Năm 2014, lỗ gần 67 triệu đồng. Vì thế, việc anh nói thu nhập mỗi tháng hơn 60 triệu đồng là không có căn cứ.
Anh giải thích đó là báo cáo tài chính dựa trên các hóa đơn, còn tiền lời của công ty là nằm ở những khoản khác. ''Công ty tôi thành lập từ năm 2006. Năm nào cũng hoạt động bình thường. Nếu năm nào cũng lỗ thì tại sao nó không bị giải thể hay phá sản'' - anh chống chế.
Tòa: ''Nếu đúng như thế, chúng tôi sẽ kiến nghị thanh tra thuế để tiến hành thanh tra lại toàn bộ về tài chính của công ty anh''. Anh chỉ đứng im lặng.
TAND TP.HCM kết luận việc anh khai thu nhập hơn 60 triệu đồng/tháng là khai man, không đúng sự thật. Còn thu nhập 15 triệu đồng/tháng từ công việc làm thêm là không đủ để trang trải chi phí, điều kiện không tốt cho hai con bằng để người mẹ nuôi dưỡng. Cuối cùng, anh phải chấp nhận phán quyết của tòa án.
Nhiều người tham dự phiên tòa ngậm ngùi nghĩ, dù anh có thực sự thu nhập cao hơn chị nhưng sự quan tâm và thời gian anh dành cho con khi còn chung sống đã không đủ để thực hiện vai trò người làm cha. Huống chi bây giờ khi vợ chồng đã chia tay, không có người phụ giúp anh trông nom bọn trẻ chúng sẽ ra sao?
Điều mà một gia đình hạnh phúc, tròn vẹn có thể cho nhau đâu chỉ là tiền bạc, mà quan trọng hơn là tình thương yêu và thời gian dành cho nhau.