Chăm sóc đến tận 'chân hàng rào' để mời gọi nhà đầu tư ngoại

Đầu tư nước ngoài là một trong hai động lực rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong mấy chục năm qua. Để thu hút dòng vốn có chất lượng cao và phát huy tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay thì Việt Nam còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là từ các địa phương.
Làm gì để tiếp tục duy trì việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao vào Việt Nam (VN)? Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 mới tổ chức đã nêu nhiều kinh nghiệm từ các địa phương.
Chăm sóc đến tận "chân hàng rào" 
Đây là diễn đàn mở, có quy mô lớn đầu tiên với sự tham gia của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp (DN). 
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho hay mấy chục năm qua Vĩnh Phúc thay đổi quy mô kinh tế một phần nhờ vào FDI. Hiện nay thu ngân sách đã gấp 300 lần năm 1997 - thời điểm tái lập tỉnh, trong đó vai trò của FDI rất lớn, chiếm tới 70% cơ cấu kinh tế tỉnh. 
Theo ông Thành, Vĩnh Phúc thu hút FDI rất tốt nhờ chú trọng nguồn lực, đất đai và khoa học công nghệ. Thậm chí Vĩnh Phúc tranh thủ luôn cả việc Bộ Ngoại giao đã “cầm tay chỉ việc” cho tỉnh. 
“Chúng tôi đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện để thu hút FDI như nguồn đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp để tạo môi trường thu hút đầu tư. Cùng với đó, chúng tôi cũng chuẩn bị cả hệ sinh thái công nghệ. Chúng tôi đã ý thức rất rõ vấn đề này, bên cạnh đất đai có tính đến hạ tầng phục vụ cho các nhà đầu tư nhằm tạo ra cuộc sống tốt cho các nhà đầu tư” - ông Thành nói và cho biết là vẫn chưa hài lòng.
Bên cạnh FDI, Vĩnh Phúc cũng chú trọng phát triển DN vừa và nhỏ. “DN vừa và nhỏ do chính người VN kinh doanh để tạo ra những giá trị bền vững, vì vậy chúng tôi mong có sự kết nối DN FDI với các DN vừa và nhỏ trong nước” - ông nói. 
Trong bối cảnh dịch phức tạp, Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư trực tuyến, qua đó cung cấp thông tin nhanh chóng và kịp thời tới nhà đầu tư nước ngoài. “Bên cạnh việc kiên trì thu hút các dòng vốn FDI để phát triển, tới đây tỉnh sẽ cân nhắc và lựa chọn dự án có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao để có thể tạo ra giá trị cũng như thân thiện với môi trường” - ông Thành cho hay. 
Còn ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, nói địa phương này đã tận dụng lợi thế gần Hà Nội và nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để thu hút đầu tư. Tỉnh cũng chú trọng đồng bộ hạ tầng, hỗ trợ DN vừa và nhỏ và cải cách hành chính, môi trường kinh doanh. Bắc Ninh không có sự thay đổi về chủ trương thu hút đầu tư giữa các thế hệ lãnh đạo, giữa các cấp lãnh đạo, chính quyền.
“Bắc Ninh đã thu hút 1.581 dự án với tổng giá trị 20 tỉ USD, đặc biệt tỉnh thu hút các tập đoàn đa quốc gia, biến đó thành kênh xúc tiến đầu tư quan trọng để thu hút các nhà đầu tư khác” - ông Tuấn nói.
Bắc Ninh, theo lời ông Tuấn, sẽ vẫn thu hút FDI nhưng tập trung ưu tiên dự án ít sử dụng đất và ít sử dụng nhiều lao động, vốn đầu tư lớn và hàm lượng công nghệ cao. Hỗ trợ DN vẫn tiếp tục với nhiều chính sách ưu đãi, chuẩn bị chu đáo mặt bằng, nhân lực và chính sách cụ thể. Đặc biệt, tỉnh cũng đề ra kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực như hỗ trợ học phí cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông để học nghề, hỗ trợ kinh phí đào tạo lại nhân lực.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, thì thừa nhận địa phương này được thiên nhiên ưu đãi về đầu mối giao thông và vị trí cửa ngõ khu vực phía Bắc. Vậy nên những năm qua Hải Phòng thu hút được 20 tỉ USD FDI.
Ngoài những biện pháp như các tỉnh khác, ông Thọ cho hay: “Chúng tôi còn chăm sóc đến tận chân hàng rào, tức đầu tư về điện, nước, hệ thống cây xanh. Đây là những thứ nhà đầu tư quan tâm. Hằng tháng, chủ tịch UBND TP đều có một buổi gặp mặt các DN để tháo gỡ khó khăn. Theo đó, kiến nghị của các DN giảm dần theo thời gian”. 
Ông Thọ nói sắp tới Hải Phòng sẽ chăm sóc kỹ cảng nước sâu và tiếp tục phát triển cảng biển. “Trong năm năm tới, chúng tôi triển khai thêm bốn cầu tàu ở cảng nước sâu, tức chúng tôi sẽ có sáu cầu tàu. Tiếp tục thu hút đầu tư ở 16 khu công nghiệp để hình thành 23 khu công nghiệp. Đồng thời, chúng tôi cũng đang trình để có sáu khu logistics tại sáu khu công nghiệp” - ông Thọ nói và hy vọng FDI tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nhiều dự án được cấp phép ngay trong 24 giờ
Phó Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết tỉnh tổ chức thi tuyển để chọn được cán bộ, công chức giỏi nhất. Nhiều chức danh, vị trí lãnh đạo được một cá nhân đảm nhận nhằm tập trung công tác chỉ đạo, điều hành và đề cao trách nhiệm.
Quảng Ninh cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng giảm hồ sơ, giảm thủ tục hành chính trong một hồ sơ để giảm chi phí cho DN. Cùng với đó, Quảng Ninh minh bạch thông tin về đất đai, quy hoạch, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án được cấp phép trong vòng 24 giờ. Mới đây, một dự án có vốn đầu tư 500 triệu USD được cấp phép như vậy.
Hiện nay có tới 20.000 DN đang hoạt động tại Quảng Ninh. Nhiều nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu đã tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhiều dự án đầu tư chế biến, chế tạo… đã giúp Quảng Ninh tái cơ cấu kinh tế.
“Quảng Ninh được biết đến như nơi có mô hình sáng tạo, đột phá trong cách làm. Chẳng hạn dùng đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, một đồng ngân sách thu hút được chín đồng từ bên ngoài, tư nhân đầu tư cả vào sân bay, cảng biển quốc tế. Các nguồn lực, cả nguồn lực từ ngoài nhà nước đều được thu hút và triển khai nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu của ba bên: Nhà nước, DN và nhân dân” - ông Văn cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói tuy Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL nhưng thu hút FDI thời gian qua còn khiêm tốn. “Tới đây, không những Cần Thơ mà các tỉnh ĐBSCL sẽ có lợi thế về hạ tầng. Ngoài hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển còn được đầu tư đường bộ, đường cao tốc, xe điện từ TP.HCM về Cần Thơ tạo kết nối giao thông, kết nối nhà đầu tư thời gian tới” - ông Hồng nói và dẫn chứng Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL, cũng như nguồn vốn 2 tỉ USD phát triển vùng làm cơ sở.
Vẫn theo ông Hồng, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về cơ chế đặc thù thu hút đầu tư cho Cần Thơ là một lợi thế. Thời gian tới, địa phương này sẽ thiết kế để trình các cấp có thẩm quyền cơ chế đặc thù về tài chính, thuế, đất đai, đầu tư cũng như thủ tục đầu tư.


Cần có chính sách thúc đẩy để doanh nghiệp Việt Nam bắt tay với
doanh nghiệp FDI. Ảnh: QUANG HUY

“Chúng tôi sẽ xây dựng nhiều kế hoạch chương trình để hỗ trợ DN, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, môi trường đầu tư” - ông Hồng nói. 

Một số địa phương khác cũng cho hay chính sách thu hút FDI thời gian tới sẽ đổi mới mạnh mẽ theo hướng thu hút có chọn lọc và lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu để ưu tiên.
Phải tạo được môi trường cộng sinh 
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định hiện nay đã có 136 nền kinh tế đầu tư vào VN với vốn đầu tư trên 400 tỉ USD. Đây là con số có ý nghĩa. Mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của VN, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. 
VN có lợi thế hơn khi so sánh với các nước trong khu vực. VN củng cố vị thế nền kinh tế hấp dẫn với thiết chế chính trị ổn định, kiểm soát tham nhũng… Tuy nhiên, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục thành lập DN, thủ tục hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội... để nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Sự chuẩn bị chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… cần phải tích cực.
“Địa phương nào cũng nói đến mời gọi đầu tư dự án chất lượng cao nhưng phải xem lại sự chuẩn bị của địa phương như chất lượng thể chế, cần xem xét lĩnh vực nào cần ưu tiên cho DN trong nước, lĩnh vực nào cần mời gọi DN nước ngoài. Lĩnh vực nào DN trong nước làm được thì tạo điều kiện cho DN trong nước làm, lĩnh vực nào cần DN FDI thì mời gọi DN FDI” - ông Lộc nói.
Lãnh đạo VCCI dẫn chứng: Cơ sở hạ tầng không chỉ giao thông, đường sá mà khu công nghiệp cũng cần địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhiều địa phương chỉ chuẩn bị đất đai, nhà xưởng nhưng thực tế khu công nghiệp cần một hệ sinh thái, cung cấp dịch vụ đầy đủ. Nhân lực lao động kỹ thuật lành nghề còn hạn chế ở nhiều địa phương.
Những năm gần đây, xu hướng quy mô trung bình của DN FDI nhỏ lại cho thấy các DN hỗ trợ vệ tinh dây chuyền lắp ráp dịch chuyển vào VN càng nhiều. Bản chất dịch chuyển chuỗi cung ứng hỗ trợ là cần thiết nhưng nếu chỉ có xu hướng này, mang toàn bộ DN vệ tinh vào để khép chuỗi giá trị của họ thì không tạo điều kiện cho DN VN tham gia vào chuỗi giá trị được.
Do đó, các địa phương cần có chính sách khuyến khích DN VN tham gia vào chuỗi cung ứng chứ không chỉ có DN FDI làm. Cần phải tạo môi trường cộng sinh giữa DN nước ngoài và VN trong thời gian tới. 
Theo ông Lộc, VN có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ tư và định hướng giai đoạn tới là lựa chọn làn sóng thế hệ FDI cao hơn về chất lượng.•
Cần khắc phục mặt trái của FDI
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: Trên 70% giá trị xuất khẩu của VN thuộc khu vực FDI, hàng triệu lao động có việc làm trong khu vực FDI. Những điều này ghi nhận đóng góp của FDI với kinh tế VN.
Khu vực FDI xứng đáng nhận được huân chương của VN nhưng cũng có mặt trái của FDI mà chúng ta trăn trở. Đó là FDI chủ yếu gia công, sử dụng lao động giản đơn như dệt may, giày dép; 67% vật tư, máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với DN trong nước, sức lan tỏa về công nghệ, quản trị chưa cao. 

Nhà đầu tư mong cải cách hành chính, tạo cơ chế

Các nhà đầu tư lớn mong muốn địa phương, chính quyền tạo cơ chế để họ đầu tư theo chiều sâu, hướng đến bền vững.


Ông DENNIS NG TECK YOW, Tổng giám đốc Gamuda Land VN:

Thủ tục hành chính có cải thiện nhưng chưa như mong muốn
Kể từ năm 2007, trải qua nhiều khó khăn, chúng tôi giờ đây đã ghi nhận tăng trưởng từng năm và từng bước tiến vào hoạt động đầu tư bất động sản tại Việt Nam (VN), tạo môi trường xanh trong quá trình đô thị hóa của hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Chúng tôi đã phải trải qua những khó khăn, phức tạp trong quá trình phát triển. Trong đó, khó khăn chính là vấn đề quản lý, thủ tục hành chính, dù đã có cải thiện nhưng chưa được nhanh như mong muốn. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ tới, chúng tôi tin tưởng sẽ tiếp tục được đóng góp vào sự phát triển của VN.

Ông VÕ SƠN ĐIỀN, Giám đốc đầu tư nước ngoài Becamex IDC:

Tổng hợp nhiều yếu tố để chúng cộng sinh 
Làm thế nào để phát triển hệ sinh thái đúng nghĩa thì tôi xin chia sẻ. Chúng tôi luôn hài hòa giữa bốn yếu tố gồm: Người dân (người dân trong khu công nghiệp và người dân địa phương), người lao động (lao động địa phương và các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại VN), doanh nghiệp (DN) (DN nước ngoài và DN trong nước), cuối cùng mới là chính quyền địa phương.
Chẳng hạn, vấn đề giải tỏa mặt bằng và lấy đất của người dân là rất nan giải. Làm sao để tạo cho người dân đồng thuận cùng chúng ta làm điều đó? Chúng ta phải tạo cho người dân thấy rằng họ được nhiều hơn mất.
Hay như người nước ngoài đến VN, ban ngày họ là chuyên gia nhưng ở sau đó họ cũng là những người bình thường. Chúng ta phải tạo điều kiện sống cho họ, cho vợ con họ.
Thậm chí giữ nguồn lao động cũng phải được hài hòa. Chúng tôi làm nhà ở xã hội (100-300 triệu đồng/căn hộ) giúp họ an cư lạc nghiệp, điều này hạn chế vấn đề nhảy việc của người lao động.
Ngoài ra, chúng tôi đang thí điểm một phân khúc mới không phải khu công nghiệp nữa mà là khu công nghiệp công nghệ cao. Tức khu công nghiệp truyền thống sẽ được đan xen nhiều hơn giữa đô thị, giáo dục và đổi mới, sáng tạo. Như vậy, nó giải quyết các yếu tố, giúp mọi thứ cộng sinh với nhau.

Ông NGUYỄN HẢI MINH, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại VN (EuroCham):

Nhắm tới nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong thời gian tới, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là nâng cao hiểu biết về tiêu chuẩn châu Âu cho từng địa phương, cho từng DN.
Vốn đầu tư từ châu Âu là nguồn vốn có chất lượng, tiên tiến và hướng tới bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực PPP về cơ sở đầu tư hạ tầng. Về lý do để chúng tôi đưa ra quyết định đầu tư thì chủ yếu liên quan đến môi trường kinh doanh.
Ngoài những trung tâm lớn tại Hà Nội và TP.HCM thì trong tương lai, nhiều địa phương cũng đang đáp ứng yêu cầu của DN châu Âu là Quảng Ninh và Hải Phòng. Về nhân lực, do chúng tôi dùng công nghệ cao nên chúng tôi không phải nhắm vào nhân lực giá rẻ. Địa phương đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng sẽ là nơi chúng tôi nhắm tới.

Ông NAKAJIMA TAKEO, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội:

Vai trò kết nối với các địa phương là quan trọng 
VN vẫn là một trong những đất nước nằm trong tốp đầu của ASEAN. Trong các nước chúng tôi đã khảo sát, số lượng cụm từ như thu nhỏ sản xuất, rút lui, thoái vốn gần như không xuất hiện ở VN, việc này cho thấy sức mạnh của VN.
Về chương trình hỗ trợ của Nhật Bản hỗ trợ cung ứng toàn cầu mà JETRO là cơ quan điều phối cho thấy 2/3 DN tham gia chuỗi cung ứng này đã chọn VN là địa điểm đầu tư. Ngoài ra, tình hình đầu tư của Nhật Bản vào VN thể hiện rõ ràng ở số lượng DN thành viên của JETRO VN hiện lên tới hơn 2.000 DN, so với 100 DN những năm 1990. 
Xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản thời gian tới sẽ dịch chuyển về các địa phương, do đó vai trò kết nối của DN với các địa phương là điều vô cùng quan trọng để xúc tiến đầu tư.
 Phải chuẩn bị cụ thể chứ không nói chung chung
Theo PGS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, có nhiều yếu tố lớn tác động đến FDI. 
Cách mạng 4.0 đòi hỏi xu thế chuyển dịch dòng vốn FDI, điều này cũng quyết định đến việc lựa chọn FDI không còn dừng lại ở những FDI kiểu cũ.
VN ngày càng hội nhập sâu, các quan hệ quốc tế, liên kết quốc tế cũng dần ảnh hưởng rất mạnh đến FDI, thậm chí ảnh hưởng ghê gớm. Liên kết quốc tế mấy năm vừa rồi có nhiều thay đổi, cùng với xung đột thương mại, dịch chuyển FDI cũng đang là xu thế và có sự thay đổi, đặc biệt ở châu Á trong 3-4 năm vừa rồi có sự dịch chuyển bất thường, đặc biệt là từ Trung Quốc, dự kiến còn tiếp diễn ra sẽ tác động đến tư duy về FDI của các quốc gia và VN.
COVID-19 cũng buộc chúng ta phải định hình lại các dòng đầu tư, cùng công nghệ giúp con người khắc phục, dẫn đến cách định hình lại FDI đang diễn ra. VN đã nhận diện khá rõ các vấn đề này, tuy nhiên có ba điểm cần lưu ý, đó là lực, đà và thế. Ba yếu tố này đang đặt VN vào cách tiếp cận FDI khác, mà nếu bỏ quên sẽ khó nhận diện vị thế.
Ông thiên cho rằng các địa phương cần chuẩn bị năng lực rất lớn, nếu không sẽ như những năm trước, tuyên bố lớn lao nhưng không đủ lực để đón dòng FDI.
Năng lực đó là nhân lực, kết nối, hạ tầng số, không thể bàn chung chung được. Với tham vọng thu hút đầu tư lớn, VN phải có sự chuẩn bị, thông thoáng về chính sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới