Trong ngày 30-4, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt cứng ô tô. Điều đáng nói là khi xảy ra ùn tắc kéo dài vài kilomet, Đội 6, Phòng 8 thuộc Cục CSGT đã nhiều lần yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xả trạm thu phí nhưng nơi này không hợp tác. Sau nhiều giờ, CSGT căn cứ Nghị định 100/2019 lập biên bản vi phạm thì trạm thu phí mới chịu xả trạm.
Lý giải về việc không xả trạm thu phí với báo chí, lãnh đạo VEC đã viện dẫn Thông tư 15/2020 của Bộ GTVT để cho rằng việc không xả trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là đúng. Vị này cho rằng thẩm quyền tạm dừng thu phí là thuộc Tổng cục Đường bộ chứ Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (đơn vị trực tiếp quản lý cao tốc trên) cũng như VEC không có quyền tự ý xả trạm.
Vị này cũng khẳng định: Lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT được quyền đề nghị chứ không có quyền quyết định xả trạm, nó phải do Tổng cục Đường bộ quyết (?!).
Kẹt xe nhiều giờ liền trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: PLO
Theo như vị này nói thì nhất nhất các trạm thu phí trên cao tốc do trung ương quản lý, nên nếu muốn xả trạm phải có ý kiến của tổng cục.
Mới nghe qua thì thấy viện dẫn của đại diện VEC là có lý, tức hành vi ùn tắc ở trạm thu phí không phải lỗi của họ mà do có nhiều xe quá; họ chỉ xả trạm theo quy định của Thông tư 15/2020.
Thế nhưng Đội 6, Phòng 8 thuộc Cục CSGT lại viện dẫn Nghị định 100/2019 của Chính phủ khi lập biên bản với vi phạm là không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí.
Với cách viện dẫn hai văn bản khác nhau của VEC và CSGT, xem ra các cơ quan đã không thống nhất trong việc áp dụng các quy định để xả hay không xả trạm.
Có điều, vị lãnh đạo VEC không rõ có cố tình quên hay không khi mà lường trước sự ùn tắc trong dịp lễ nên ngày 16-4-2021, Bộ GTVT đã có Văn bản số 3368/BGTVT-ATGT chỉ đạo: Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các cục Quản lý đường bộ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát…, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài.
Rõ ràng, nếu làm đúng chỉ đạo của Bộ GTVT thì đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây phải chủ động xả trạm khi thấy ùn tắc kéo dài, chứ không phải đợi cho đến khi bị CSGT lập biên bản vi phạm thì mới chịu xả trạm!
Chưa hết, các thông tư, nghị định, văn bản… trong lĩnh vực giao thông đều phải dựa trên các nguyên tắc của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB). Mà luật này thì nêu rất rõ rằng: “Hoạt động GTĐB phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường… Quản lý hoạt động GTĐB được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp” (Điều 4).
Vì vậy, không thể viện dẫn một thông tư của Bộ GTVT rồi cắt khúc ra rằng: “Với cao tốc do trung ương quản lý thì thẩm quyền xả trạm chỉ của Tổng cục Đường bộ”, mà phải đặt nó trong sự quản lý tổng thể của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có các đơn vị của Cục CSGT. Bởi hơn ai hết, CSGT là người biết, hiểu rõ nhất khi nào thì an toàn giao thông bị đe dọa để đưa ra các biện pháp điều tiết giao thông khẩn trương, thích hợp.
Các chủ đầu tư luôn nêu mục đích cao cả khi làm cao tốc là “bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội…”. Tuy nhiên, sự việc trên cho thấy cá biệt cũng có khi do quá chú trọng đến lợi ích kinh doanh mà đơn vị quản lý trạm thu phí cao tốc quên mất lợi ích chung.
Trong hàng ngàn ô tô bị kẹt, có cả những người già, trẻ em bị “nhốt” nhiều giờ trong xe giữa nắng hè đổ lửa. Không chỉ thế, nhiều xe chở hàng, xe đông lạnh… bị ách tắc, phải giao hàng chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đến sự thông thương của nền kinh tế. Thiệt hại này phải chăng có một phần nguyên nhân không nhỏ từ việc chậm xả trạm của trạm thu phí?!