Sáng 18-5, TAND TP Hà Nội xét xử vụ án liên quan đến loạt sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty Vận tải Thương mại VEAM (Ventraco).
|
Toàn cảnh phiên tòa sáng 18-5. Ảnh: UYÊN TRANG |
17 bị cáo hầu tòa, trong đó 16 người bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Trần Ngọc Hà (cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc VEAM), Lâm Chí Quang (cựu tổng giám đốc VEAM), Vũ Từ Công (cựu kế toán trưởng VEAM), Đào Quốc Việt (cựu giám đốc Vetranco)…
Bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Khôi (cựu trưởng ban Kiểm soát, thành viên HĐTV VEAM) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Trong số 17 bị cáo hầu tòa, 14 người là cựu lãnh đạo, cán bộ VEAM. Ảnh: UYÊN TRANG |
Theo cáo trạng, VEAM trực thuộc Bộ Công Thương, do Nhà nước sở hữu hơn 88% vốn. Vetranco là công ty con thuộc VEAM, do VEAM sở hữu 51% vốn.
Từ năm 2011 đến 2013, VEAM ký năm chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỉ đồng. Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng, VEAM bị các ngân hàng cưỡng thu 23 tỉ đồng và phải cho Ventraco vay thêm 52 tỉ đồng để trả nợ, khiến VEAM thiệt hại gần 76 tỉ đồng.
|
Bị cáo Trần Ngọc Hà, cựu chủ tỊch HĐTV, cựu tổng giám đốc VEAM. Ảnh: UYÊN TRANG |
Cũng theo cáo trạng, Trần Quang Tiến là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư tập đoàn Đại Nam, đồng thời là người quản lý, điều hành Công ty Tương Lai, Công ty Minh Quang và Công ty Cổ phần thép Minh Quang.
Năm 2013, Ventraco cho Tiến vay tiền với thỏa thuận ngoài lãi suất cho vay của ngân hàng thì Tiến phải trả thêm chênh lệch 0,8% - 1,25% giá trị tiền vay. Để có tiền cho Tiến vay, Ventraco dùng vốn tự có, vốn vay ngân hàng hoặc vay từ VEAM.
Đồng thời, để che giấu việc cho vay trái quy định cũng như hợp thức hóa dòng tiền, Đào Quốc Việt (cựu giám đốc Ventraco) cùng với Tiến ký một loạt hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Do Tiến mất khả năng thanh toán, Ventraco bị thiệt hại 182 tỉ đồng.
|
Bị cáo Đào Quốc Việt, cựu giám đốc Ventraco. Ảnh: UYÊN TRANG |
Năm 2014, VEAM ra nghị quyết về việc đầu tư dự án sản xuất máy kéo hạng trung với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng. Mặc dù chưa được Bộ Công thương quyết định đầu tư, bị cáo Trần Ngọc Hà với tư cách tổng giám đốc VEAM đã ký, chi hơn 56 tỉ đồng mua quyền sở hữu công nghiệp với máy kéo của Công ty ISEKI (Nhật Bản).
Đến năm 2018, Bộ Công Thương ra văn bản yêu cầu không thực hiện dự án. Việc này dẫn tới VEAM bị thiệt hại hơn 56 tỉ đồng, là số tiền đã thanh toán cho Công ty ISEKI.
|
Vụ án này, 16 bị cáo bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, một bị cáo bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: UYÊN TRANG |
Một sai phạm khác tại VEAM xảy ra năm 2015. Vẫn với tư cách tổng giám đốc VEAM, Trần Ngọc Hà tự ý quyết định hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc) thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển sản phẩm xe ô tô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Srilanka. Việc này không có nghị quyết của HĐTV VEAM, cũng không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt của tổng công ty.
Quá trình thực hiện, Trần Ngọc Hà quyết định việc chuyển tạm ứng cho Công ty T-King tổng số tiền 400.000 USD để T-King nghiên cứu, phát triển các bộ linh kiện xe ô tô tay lái bên phải.
Thế nhưng, kế hoạch nêu trên sau đó không thực hiện được vì không có tính khả thi, VEAM không thu hồi được khoản tiền đã tạm ứng nên bị thiệt hại gần 10 tỉ đồng.