Chặn nguy cơ tai nạn thảm khốc từ tài xế xe tải, xe container

(PLO)- Lái xe tải vượt ẩu, dùng chất kích thích, không ràng cột chặt hàng hóa… là những nguy cơ gây tai nạn cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thời gian qua còn nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về giao thông của tài xế và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Tình trạng tài xế vi phạm quy định nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép... vẫn tái diễn.

Tài xế vượt ẩu

Về vụ TNGT trên Quốc lộ 14 khiến ba thành viên đội bóng HA Gia Lai thiệt mạng, ông Minh khẳng định do tài xế xe tải đi ẩu.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Gia Lai. Ảnh: LK

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Gia Lai. Ảnh: LK

Còn Thượng tá Phan Văn Mạnh, Trưởng Công an huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, cho biết thời điểm xảy ra vụ tai nạn, xe ben biển số 81H-027.60 do Đinh Tiến Bình điều khiển vượt xe con của CLB HA Gia Lai. Khi vượt, Bình thấy có xe tải chạy chiều ngược lại nên đánh lái qua phải, đâm vào bên sườn trái xe con của CLB HA Gia Lai đang chạy đúng làn đường. Khi va chạm, đầu xe tải do Bình lái móc dính vào sườn xe con của HA Gia Lai, đẩy xe này về phía trước rồi tông thẳng vào đầu xe tải 47C-263.06 chạy hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến ô tô con bị kẹp giữa đầu hai xe tải.

Theo Thượng tá Mạnh, căn cứ lời khai và bằng chứng thu thập được, cơ quan điều tra xác định nguyên nhân là do tài xế Đinh Tiến Bình vượt xe của CLB HA Gia Lai đang chạy cùng chiều. Như vậy có thể thấy đây là lỗi chủ quan khi tham gia giao thông của tài xế Đinh Tiến Bình.

PC08 và chủ doanh nghiệp, tài xế ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Ảnh: PC08

PC08 và chủ doanh nghiệp, tài xế ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Ảnh: PC08

Còn theo người dân ở hai bên đường khu vực xảy ra tai nạn, ở khu vực này các loại xe tải Howo chở đất, đá, vật liệu xây dựng như xe 81H-027.60 chạy rất ẩu. “Họ ỷ chạy đường ngắn, quen đường nên chạy rất ẩu. Họ thường bấm còi, vượt xe, lấn làn không chỉ với xe đi cùng chiều mà còn ở cả làn ngược chiều và có lúc lấn cả vào phía ngoài, bên phải dành cho xe máy.

Mối nguy từ cuộn thép từ trên xe… rơi xuống đường

Tại TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC08), cảnh báo tình trạng tài xế và doanh nghiệp vi phạm tốc độ, vi phạm quá khổ quá tải, đi vào đường cấm - khu vực cấm… những ngày qua có dấu hiệu gia tăng.

Đặc biệt, gần đây là tình trạng cuộn thép từ trên sàn xe sơmi rơmóoc đang lưu thông bị rơi xuống mặt đường. Theo Thượng tá Bình, xảy ra việc này là do tài xế đã không chèn, cột cuộn thép tròn nằm chắc chắn trên sàn xe. Đối với hành vi này, PC08 đã tuyên truyền đến doanh nghiệp, đội ngũ tài xế và bến cảng khi xuất hàng hóa phải chằng buộc đảm bảo đối với hàng rời và cuộn thép.

“Ý thức chấp hành giao thông của đội ngũ tài xế vẫn chưa cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đối với loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container để đảm bảo an toàn giao thông đối với tài xế, doanh nghiệp và người tham gia giao thông trên đường. Từ đó, kéo giảm TNGT và phòng ngừa TNGT trong thời gian tới” - ông Bình nói.

Một nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn trên đường khác là thùng container rớt xuống mặt đường khi xe đầu kéo đang lưu thông. Nguyên nhân do tài xế không khóa chốt gù, kết nối chặt thùng container vào sàn xe sơmi rơmóoc. “Không khóa chốt gù, không ràng buộc, chèn chặt cuộn thép vào sàn xe… là rất nguy hiểm khi xe lưu thông, thắng gấp…!” - Thượng tá Bình nói.

Cũng theo Thượng tá Bình, PC08 kiểm tra, Sở GTVT TP đã đề xuất Bộ GTVT bổ sung quy định đối với hàng rời - cuộn thép cần có giá đỡ chuyên ngành phục vụ vận chuyển. Đến nay chưa có quy định này nên thời gian qua, lực lượng CSGT đa phần chỉ kiểm tra và xử lý liên quan đến hạng mục chằng buộc chắc chắn hay không.

Tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, ma túy

Theo ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM, tình trạng tài xế dùng chất kích thích, ma túy, uống rượu bia… rồi lái xe là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến TNGT rất cao. Nhất là với giới tài xế xe tải, xe container, xe khách…

“Nhiều năm qua, TP.HCM đã thực hiện xuyên suốt về nồng độ cồn, chất kích thích. Từ năm 2019, TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong việc ra quân kiểm tra ma túy, nồng độ cồn, đặc biệt là khu vực cảng bến, vận tải hành khách… Đặc biệt, các khu vực cửa ngõ cũng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm như tốc độ, đèn tín hiệu - biển báo… góp phần đảm bảo an toàn giao thông” - ông Phúc nói.

Lực lượng CSGT TP cũng tổ chức dán bảng tuyên truyền, lựa chọn phương tiện thay thế ở các “nhà hàng, quán nhậu, dịch vụ vui chơi giải trí” khi đã sử dụng chất kích thích, rượu bia. Hiện các chủ trương này vẫn đang tiếp tục tuyên truyền để đảm bảo an toàn.

Thời gian tới, theo ông Phúc, TP.HCM tiếp tục thực hiện đồng loạt ba giải pháp: Tuyên truyền, cưỡng chế - xử lý vi phạm và hoàn thiện hạ tầng. Trong đó tuyên truyền là đi trước và phải làm thường xuyên, liên tục nhằm thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, vì 70% các vụ tai nạn đều liên quan đến ý thức của người điều khiển giao thông.

Từ hôm nay (15-8), xử lý mạnh xe khách, xe tải vi phạm

Theo Cục CSGT, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch về tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách và ô tô vận tải hàng hóa bằng container trên toàn quốc.

Cụ thể, thời gian bắt đầu từ ngày 1-8 đến 15-10-2023. Đợt kiểm tra được chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ ngày 1 đến 14-8) tập trung công tác tuyên truyền, ký cam kết; giai đoạn 2 (từ ngày 15-8 đến 15-10): Ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm.

Đến nay hầu hết địa phương đã thực hiện kế hoạch này. Ngay trong hôm nay, các địa phương sẽ ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm. Có địa phương lồng ghép chương trình này cùng với tổng tấn công trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm