Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Thanh Thủy Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa khi trao đổi với PV Pháp Luật TP. HCM xung quanh câu chuyện tảo hôn ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa).
Năm 2021, Pháp Luật TP.HCM đã tải loạt bài 3 bài “Đêm trường tảo hôn ở Mường Lát” xoay quanh câu chuyện những bé gái chưa qua hết thời thiếu nữ đã phải làm vợ, làm mẹ. Những bữa cơm hiếm hoi mới có thịt cá. Đàn trẻ thơ không có khai sinh. Phía trước họ là một tương lai tối tăm.
Ở vùng đất này, bao đời nay tảo hôn, tảo hôn cận huyết thống đã để lại nhiều hệ lụy, khiến những đứa trẻ còi cọc, nghèo đói, lạc hậu, không tuổi thơ, bị cưỡng đoạt học tập. Cuộc đời, số phận của người mẹ trẻ ở nơi này chìm nghỉm trong đói nghèo, bệnh tật, chưa thấy tương lai…
Dù nhiều thập kỷ đã qua, mọi người nhận diện rõ nguyên nhân nạn tảo hôn và các biện pháp ‘chặt đứt’ nạn tảo hôn, tuy nhiên tảo hôn, tảo hôn cận huyết vẫn chưa dứt.
Loạt bài phóng sự 'Đêm trường tảo hôn ở Mường Lát' được đăng tải trên báo Pháp Luật TP. HCM năm 2021. Ảnh: Đ. TRUNG
Bà Thủy nêu: “Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân sâu xa dẫn đến đói nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng ở Thanh Hóa.
Tình trạng ép gả, bắt nghỉ học lập gia đình vẫn còn diễn ra trong cộng đồng đồng bào Mông khi những đứa trẻ chưa lớn. Khi sinh con, người mẹ còn quá nhỏ tuổi khi vừa rời ghế nhà trường, thiếu kỹ năng, các điều kiện cần để chăm lo cho trẻ con, chưa có đầy đủ về điều kiện, tâm sinh lý của một người công dân trưởng thành.
Từ đây dẫn đến hệ lụy, chất lượng dân số không tốt và những thế hệ kế tiếp thường còi cọc, ốm đau, bệnh tật đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện về trí tuệ, sức khỏe, tinh thần của đứa trẻ từ đời này qua đời khác".
Bà Thủy nhận định: "Tảo hôn còn tồn tại đến nay, nguyên nhân cũng là do công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, vai trò nhà trường còn hạn chế, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào kế hoạch hóa gia đình.
Các nội dung về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức, nguồn lực đầu tư cho dân số, kế hoạch hóa gia đình còn thấp, tuyên truyền về tảo hôn chưa tương xứng với yêu cầu.
Bà Phạm Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa trong chuyến đi đến Mường Lát vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông để ngăn chặn nạn tảo hôn, tảo hôn cận huyết. Ảnh: Đ. TRUNG
Nhận thấy những vẫn đề tồn tại đã nêu, cùng với phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, hiện tỉnh Thanh Hóa đang triển khai Đề án tăng cường công tác dân vận trong đồng bào dân tộc Mông giai đoạn 2021-2025.
Đây cũng là một trong những đề án được Thường trực tỉnh Ủy tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm, đặc biệt là đời sống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.
Đề án này tập trung 4 nội dung chủ yếu để giải quyết gốc của vấn đề tồn tại lâu nay. Một là nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận trong đồng bào Mông.
Hai là, mạnh mẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền trong vùng đồng bào dân tộc Mông, đáng chú ý là phát huy vai trò của trưởng bản, dòng họ, người có uy tín trong đồng bào từ đó phát hiện sớm các trường hợp tảo hôn kịp thời ngăn chặn.
Ba là, đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương trong vùng đồng vào dân tộc Mông từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao chất lượng dân số, chăm lo đời sống cho người dân ở huyện biên giới Mường Lát, Quan Sơn.
"Chặt đứt" nạn tảo hôn, tảo hôn cận huyết ở trẻ em sẽ góp phần đưa đồng bào huyện biên Mường Lát thoát khỏi đói nghèo lạc hậu. Ảnh: Đ. TRUNG
Xây dựng củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận đồng bào dân tộc Mông đáp ứng được yêu cầu là phải trọng nhân dân, làm dân tin, tích cực, kiên trì, tế nhị, hiệu quả để qua đó đưa đồng bào dân tộc Mông từng bước thoát khỏi đói nghèo lạc hậu”, bà Thủy thông tin.
Ngoài ra, theo bà Thủy, ngăn chặn nạn tảo hôn cũng chính là nâng cao chất lượng dân số qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chính sách pháp luật về công tác gia đình, chính sách về dân số, chăm lo đời sống tinh thần vật chất cho nhân dân, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, nâng chất lượng nguồn nhân lực từ chính sách là đẩy lùi nạn tảo hôn ở các huyện biên giới Mường Lát.