Hạnh phúc giản dị
Đó là khi chúng tôi chợt nảy ra ý tưởng mang những phần thức ăn nhanh đến tặng cho những nhân viên khiếm thị tại Hội Người mù Huế. Tuy phần thức ăn không có giá trị lớn về mặt vật chất nhưng các cô, các chú cứ luôn miệng nói “cảm ơn” và “quý lắm” khiến chúng tôi đỏ mặt hạnh phúc.
Thời gian giao lưu không nhiều nhưng chúng tôi đã kịp trao nhau những câu chuyện cuộc đời của mỗi người. Gạt đi những vất vả, nhọc nhằn thường ngày trong bóng tối, các cô, các chú nở những nụ cười thật tươi và hát cho chúng tôi nghe những bài hát xứ Huế trữ tình, đằm thắm. Nắm chặt tay cô Loan đang ngồi bên cạnh, Ngọc Ánh chia sẻ: “Đây là một ngày hoạt động từ thiện rất ý nghĩa. Được tận tay chuẩn bị và phát những phần quà nhỏ cho mọi người trong trung tâm là một cảm giác rất vui. Lắng nghe câu chuyện về cô Loan mà nghẹn ngào, thấy còn nhiều mảnh đời bất hạnh quá và mình vẫn còn rất may mắn, vì vậy phải trân trọng hơn những gì mình đang có”.
Lúc chia tay, các cô chú còn ra đến tận cửa, bịn rịn vẫy tay và dặn dò nếu có trở lại Huế thì nhớ ghé thăm hội. Chúng tôi nhận ra rằng không phải món quà khiến các cô chú vui mà sự hiện diện của chúng tôi mới là món quà lớn nhất. Sau khi rời hội, chúng tôi còn theo gót cô Nhạn về nhà, trao tặng cô ít quà và tiền mặt để cô đỡ đần cho người anh mù bị tai biến đang chống chọi với bệnh tật. Chúng tôi cũng tìm đến nhà chú Ánh (63 tuổi) góp một phần vào việc xây dựng căn nhà mới. Trước nay bốn người gia đình chú chỉ sống trong một góc nhà rộng chưa đầy 8 m2.
Từng trải qua nhiều thời gian tình nguyện chăm sóc người bệnh ở khoa Hồi sức và Cấp cứu, bạn Thu Thủy, một thành viên của nhóm, sinh ra và lớn lên ở Huế, thấu hiểu nỗi khổ của những bệnh nhân điều trị tại đây. Vì vậy chúng tôi đã cố gắng liên hệ và trao quà cho một số trường hợp khó khăn, nguy kịch nhất. Cảnh tượng các bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, thở bằng máy, ăn bằng mũi và cái chết treo lơ lửng trên đầu thật quá sức tưởng tượng. Nhiều gia đình đã nghĩ đến chuyện rút máy thở để người nhà ra đi vì không còn tiền chạy chữa. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng đau lòng này, bạn Trang Thiên chia sẻ: “Đứng ở nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết thế này mới thấy mình còn khỏe mạnh đã là điều may mắn rồi”.
Chúng tôi lên đường trong tư thế đem đến hạnh phúc cho những người kém may mắn hơn mình nhưng đến cuối hành trình chúng tôi lại chính là người nhận được nhiều hạnh phúc hơn cả. Bởi cho đi cũng chính là nhận về. Và trong khi hành trình đang ngày càng ngắn lại, chúng tôi có cảm tưởng rằng tấm lòng mình như đang mở rộng ra.
Tương tư núi rừng
Cơn mưa to bất ngờ đã đưa chúng tôi đến với căn nhà sàn A Roàng của gia đình người Tà Ôi thân thiện.
Từ Huế về Hội An, chúng tôi còn được thả mình trên đường Trường Sơn một lần nữa, đoạn từ A Lưới về Quảng Nam. Lần đầu tiên nhóm rơi vào một cơn mưa tầm tã đến mức không thể đi được. Trời kéo xuống tối sập, ai nấy lạnh run cầm cập. Chúng tôi quyết định dừng lại giữa rừng và may mắn tìm được một nhà nghỉ homestay của gia đình Tà Ôi ở A Roàng, Huế. Sự cố bất ngờ hóa ra lại trở thành một kỷ niệm đẹp mà chúng tôi mãi không bao giờ quên được. Sau khi kéo nhau đi tắm ở hồ nước khoáng thiên nhiên nóng như sôi dậy mùi trứng thối ở ngay phía sau nhà, chúng tôi quây quần bên mâm cơm đạm bạc và có một giấc ngủ ngon lành trong căn nhà sàn ấm cúng.
Rời rừng sâu về với phố cổ Hội An mà lòng ai cũng ngậm ngùi tiếc nuối vì đây là chặng cuối cùng được phóng xe giữa núi rừng Tây Trường Sơn hùng vỹ. Chúng tôi nhắm mắt, hít lấy hít để không khí trong lành, tận hưởng cái mát lạnh của rừng núi và lặng im nghe tiếng nước róc rách đổ xuống từ những con thác cạn. Chỉ cần về đến phố thị thì tất cả điều tuyệt vời này chỉ còn lại trong giấc mơ.
Hội An lung linh đèn lồng lễ Vu Lan.
Phố cổ Hội An đón chúng tôi bằng những con đường đèn lồng lung linh màu sắc và dòng sông Hoài lấp lánh hoa đăng trong đêm Vu Lan. Hòa vào dòng người đổ về phố cổ, chúng tôi chèo thuyền đi thả hoa đăng, nhìn những đốm sáng lòng cảm thấy bình yên, nhẹ bổng.
Nhưng đó là cảm xúc lúc ngồi trên thuyền, còn giờ đây khi ngồi viết lại những dòng này, tôi cảm thấy thật khổ sở vì mọi ký ức của chuyến đi cứ tràn về ào ạt như lũ. Cảm giác như gió vẫn phần phật bên tai như đang đi giữa rừng núi. Cảm giác như bên tai vẫn nghe tiếng trẻ con í ới gọi cùng nụ cười khanh khách giòn tan. Cảm giác như vẫn còn hơi ấm quen thuộc của các chiến hữu chen chúc nhau ngủ trên căn nhà sàn lộng gió. Bạn đừng hỏi tôi là có nên lên đường không, tốt nhất là không, bởi khi trở về rồi bạn sẽ tương tư những cung đường, những người bạn đến khổ sở như tôi mất thôi...