Phượt và thiện nguyện:

Từ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn

Từ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn ảnh 1
 Thắp hương tại nghĩa trang Trường Sơn để thấy thế hệ trẻ càng phải sống có trách nhiệm hơn với sự hy sinh của ông cha mình để giành lấy nền độc lập cho dân tộc Việt Nam. 

Băng Trường Sơn trong đêm tối

Thật ra trên đường tiến về Phong Nha - Kẻ Bàng từ Hà Tĩnh, chúng tôi đã bắt đầu chạy trên đường Hồ Chí Minh ngay tại ngã ba Khe Gát, nơi cổng trời nối Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Tuy nhiên, quãng đường từ Quảng Bình về Khe Sanh mới lột tả được hết độ hiểm hóc của “trái tim dãy Trường Sơn”. Từ sáng sớm, trưởng đoàn đã nhắc đi nhắc lại rằng các xe phải chạy chậm, bám sát đuôi nhau và hết sức cẩn thận vì trong rừng có thể có rắn.

Trường Sơn Tây cheo leo, nguy hiểm nhưng cũng không kém phần lãng mạn.

Đường ở đây khá tốt nhưng uốn lượn vòng vẻo, lên xuống liên tục rất khó chịu. Đặc biệt, những góc cua tay áo khúc khuỷu cực gắt, không cứng tay lái là tim đập loạn nhịp ngay. Càng đi đường càng lên cao.  
Thế nhưng chúng tôi lại thích thú với những con dốc cao cheo leo như thế, có cảm giác như đi lên trời. Đứng ở  trên dốc nhìn xuống, phía dưới mở ra những thung lũng xanh um tùm với những con đường zíc zắc như những dải lụa trông như một bức tranh tuyệt đẹp. Bên đường, những cây hoa dại đủ màu sắc nằm e ấp dưới chân những tán lau sậy đung đưa trong gió như làm dịu đi sự căng thẳng. Có đi trên con đường này, chúng tôi mới phần nào hiểu được nỗi gian truân, vất vả của những chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Rất nhiều trong số đó đã nằm lại nghĩa trang Trường Sơn mãi mãi.

Xung quanh đường đi chỉ có rừng núi, hoang vu, có những đoạn chạy mãi vẫn không thấy một bóng người, thi thoảng lắm mới có một chiếc xe vèo qua. Kiếm được quán xá dọc đường là điều không tưởng nhưng nhờ vậy chúng tôi có một buổi trưa tuyệt vời trên lưng chừng núi tại một gia đình người dân tộc Vân Kiều.

Từ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn ảnh 3
 
Hoàng hôn đẹp mơ màng buông xuống thung lũng giữa dãy Trường Sơn Tây.

Lại một lần nữa chúng tôi được đắm mình trong một buổi chiều hoàng hôn đẹp mơ màng nhưng lần này đặc biệt hơn vì nó nằm giữa dãy Trường Sơn Tây không một bóng người. Mải ngắm mặt trời từ từ buông xuống thung lũng vàng phía dưới, thời gian như dừng lại. Đến khi tỉnh giấc mơ hoang thì trời đã chập choạng tối.

Đêm xuống, rừng càng quạnh hiu, tịch mịch. Bảy chiếc xe phải bám đuôi nhau để rọi đèn, giữ cho nhau khỏi bị lạc. Một con rắn hổ mang băng ra giữa đường toan quấn lấy bánh xe, may trưởng đoàn phát hiện và xử lý kịp thời. Đêm càng xuống trời càng lạnh. Xe chạy băng băng giữa rừng gió hun hút, lạnh căm. Ngửa mặt lên trời, sao chi chít, trăng non vừa mới nhú lung linh, huyền ảo. Thấy cổng chào Khe Sanh đã hiện ra ngay trước mặt, cả đám reo hò mừng rơi nước mắt, chưa bao giờ thấy được đèn đường mà mừng đến thế. Băng rừng Trường Sơn Tây trong đêm tối sẽ là một trải nghiệm thật không dễ có lần thứ hai trong đời.

“Ở hai đầu nỗi nhớ”

Từ Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn ảnh 4

Khu căn cứ quân sự Khe Sanh - sân bay Tà Cơn.

Nghe đến chiến thắng Đường 9 Khe Sanh trên sách vở đã nhiều nhưng chúng tôi không thể cảm nhận được độ ác liệt của trận chiến cho đến khi có mặt ở đây. Không thể ngờ thung lũng bình yên này khi xưa lại mang trong mình một vị trí chiến lược quan trọng đến mức Mỹ phải thiết lập căn cứ để cắt đứt chi viện từ Bắc vào Nam, nơi mà sau này được cả thế giới biết đến như là "Trận Điện Biên Phủ thứ hai" lừng lẫy.

Không biết bao nhiêu tấn bom đã rơi xuống khúc ruột miền Trung nhỏ bé này nhưng lửa bom không thể thắng nổi ý chí của con người. Hàng ngàn người dân đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ bằng được Thành cổ Quảng Trị.

Đến thăm địa đạo Vĩnh Mốc, nhiều khách nước ngoài đã cúi đầu thán phục trước ý chí bền bỉ của nhân dân Việt Nam, trong khi đó thì tại Thành cổ Quảng Trị không biết bao du khách đã khóc nức nở khi nghe anh hướng dẫn viên đọc lại lá thư gửi mẹ của một chiến sĩ - học sinh quên mình trong trận chiến giữ thành.

Cây cầu Hiền Lương - nhân chứng lịch sử của 20 năm phân ly.

Nhưng khoảnh khắc khiến tim chúng tôi rung lên xúc động là khi đứng ngay tại vạch sơn trắng trên cầu Hiền Lương, nơi từng một thời là vĩ tuyến chia cắt đất nước làm “hai đầu nỗi nhớ”. Một cuộc phân ly tưởng chừng chỉ tạm thời trong hai năm không ngờ lại kéo dài tới hơn 20 năm. Không thể tưởng tượng được cây cầu nhỏ bé này lại mang trong mình sứ mệnh nặng nề của lịch sử, là chứng nhân của bao tang tóc, đau thương. Nỗi đau ấy chúng tôi đã nghe thấy, đọc thấy nhiều nhưng chỉ đến khi tận mắt chứng kiến mới thật thấm thía.

Thường những địa điểm lịch sử như vậy rất “kén” các bạn trẻ và bị loại ra khỏi danh sách điểm đến đầu tiên. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được đi trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, được tận mắt nhìn thấy cột cờ vĩ tuyến, được tận tay sờ vào hầm địa đạo để thấy lòng mình lắng lại và tim rung lên xúc động. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm