Ngày 7-12, kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận trả lời chất vấn câu hỏi về tiến độ giải quyết các vụ án dân sự.
Áp lực lớn, nhiều thẩm phán nghỉ việc
Cụ thể, HĐND tỉnh nhận rất nhiều đơn của đương sự trong các vụ án dân sự kiến nghị, phản ánh, khiếu nại về việc TAND cấp có thẩm quyền chậm xét xử, có những vụ án đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa đưa ra xét xử.
Đề nghị TAND tỉnh cho biết, hiện còn bao nhiêu vụ án dân sự chưa được Tòa án hai cấp đưa ra xét xử, trong đó nêu rõ các vụ án đã kéo dài nhiều năm; đồng thời, cho biết nguyên nhân, khó khăn và trách nhiệm của thẩm phán có liên quan; giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ giải quyết?
Mở đầu, Chánh án TAND Bình Thuận đã cảm ơn và khẳng định “Đây là câu hỏi xác đáng, đúng với tình hình thực tế”.
Theo Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Thanh, việc xét xử án dân sự tại TAND 2 cấp đạt 77%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng không đạt chỉ tiêu của TAND Tối cao giao.
Người đứng đầu TAND tỉnh Bình Thuận cho biết năm 2013, tòa án tỉnh có 197 nhân sự, đến 2023, sau 10 năm chỉ tăng thêm 1 biên chế là 198 người nhưng tăng lên hơn 6.000 vụ việc.
“Công việc áp lực quá lớn, chế độ đãi ngộ thấp nên năm 2022 đã có 6 người nghỉ việc, trong đó có 3 thẩm phán, 2 thư ký và 1 thẩm tra viên”, Chánh án Tòa Bình Thuận chia sẻ.
Nguyên nhân để án dân sự kéo dài là do các thẩm phán còn phải xử lý án hành chính (440 vụ), trong khi các cấp chính quyền cung cấp chứng cứ chậm, chưa tích cực đối thoại, tham gia phiên tòa; nhiều đương sự ở nước ngoài phải ủy thác tư pháp…
Thành lập tổ công vụ kiểm tra thẩm phán
Chất vấn bổ sung, đại biểu Nguyễn Văn Tám, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị Chánh án TAND tỉnh phân tích những khó khăn, vướng mắc từng vụ án, vụ việc trong 291 vụ án, vụ việc dân sự tồn đọng từ trước ngày 31-12-2020.
Trả lời, Chánh án TAND tỉnh cho biết 291 vụ án tồn đọng trong đó có nhiều vụ có yếu tố người nước ngoài; thừa kế nhiều thế hệ, phức tạp; tranh chấp đất đai nhiều năm trong khi theo quy định khi định giá đất quá 6 tháng thì phải định giá lại…và cho biết sẽ có văn bản trả lời cụ thể.
Bên cạnh những nguyên nhân vừa nêu, theo Chánh án TAND tỉnh thì nguyên nhânkhác là do các thẩm phán thiếu quyết tâm, chưa nỗ lực trong công tác chuyên môn.
Đại biểu Dương Xuân Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận chia sẻ, thẩm phán nếu không bổ nhiệm lại giống như bị cách chức, rất áp lực. “Xin Chánh án cho biết, tỷ lệ án bị hủy, sửa do chủ quan của thẩm phán và có chế tài gì để hạn chế việc này”, Đại biểu Sơn chất vấn bổ sung.
“Án sơ thẩm bị hủy, sửa do sai lầm trong đánh giá chứng cứ, bỏ sót của thẩm phán là có. Đây là vấn đề rất hệ trọng về sự nghiệp bởi sau khi bị hủy sửa phải giải trình, nếu nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật, không bổ nhiệm lại”, vị Chánh án nói.
Theo người đứng đầu ngành Tòa án tỉnh thì tới đây sẽ thành lập Tổ công vụ đi đến từng TAND cấp huyện để kiểm tra và hiện nay tòa 2 cấp đã lên kế hoạch xét xử 46 vụ án dân sự trong số án tồn đọng.
“Với nhiều áp lực như thế và ngành Tòa án tỉnh phải tự cứu lấy mình, biến áp lực thành động lực. Phụng công thủ pháp bởi nền tư pháp chậm trễ là nền tư pháp bất công”, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận khẳng định trước các đại biểu và cử tri.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp cho biết án dân sự tồn đọng có xu hướng gia tăng trong khi biên chế chưa đáp ứng.
“Tôi đề nghị Chánh án TAND tỉnh tăng cường kiểm tra nghiệp vụ, giám sát, kỷ luật thẩm phán để án quá hạn do chủ quan”, ông Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh.
Chủ tọa kỳ họp cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện tích cực cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho 2 cấp tòa khi có yêu cầu; tạo điều kiện về đất đai xây dựng trụ sở, đầu tư trang thiết bị để tòa án 2 cấp hoàn thành nhiệm vụ.