Ngày 7-12, kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn.
Chánh Thanh tra tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh và Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận đã trực tiếp trả lời chất vấn.
Không có băng, ổ, nhóm lộng hành
Trong đó, Đại tá Lê Quang Nhân, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận trả lời chất vấn về việc xác minh ban đầu của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với tin báo, tố giác tội phạm còn kéo dài, chậm đưa vào giải quyết nguồn tin theo trình tự giải quyết làm ảnh hưởng đến quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ và kết luận giải quyết vụ việc.
Nhiều nguồn tin về tội phạm công an cấp huyện không trực tiếp xác minh mà giao cho công an cấp xã tiến hành xác minh làm rõ hành vi phạm tội mới chuyển cho công an huyện thụ lý, giải quyết…
Trước khi trả lời chất vấn, người đứng đầu Công an tỉnh Bình Thuận cho biết năm 2023, tình hình an ninh trật tự trong tỉnh được giữ vững; không có băng ổ nhóm lộng hành, không có điểm nóng và Công an Bình Thuận xếp thứ 2/7 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ về các nhiệm vụ công tác.
“Tổng số tố giác, tin báo về tội phạm cơ quan điều tra Công an toàn tỉnh thụ lý giải quyết là 2.988 tin (tăng 742 tin). Kết quả giải quyết 2.726 tin (tăng 646 tin so với cùng kỳ năm 2022), đạt tỷ lệ 91,23%, trong đó khởi tố vụ án hình sự 1.690 tin, không khởi tố hình sự 768 tin; tạm đình chỉ giải quyết 268 tin và số tố giác, tin báo về tội phạm đang giải quyết 262 tin”, Đại tá Lê Quang Nhân cung cấp.
Điều tra viên phải thụ lý án cao gấp nhiều lần
Theo Đại tá Nhân, số lượng vụ việc, tin báo, vụ án thụ lý tăng nhiều trong khi lực lượng điều tra viên (ĐTV), cán bộ điều tra thiếu ở hầu hết cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh và cấp huyện, tạo áp lực cho ĐTV trong thực hiện nhiệm vụ.
Toàn tỉnh có 253 ĐTV trong đó cấp tỉnh 61; cấp huyện 160 và cấp xã vừa mới bổ nhiệm 32 ĐTV.
“Trung bình, một ĐTV phải thụ lý 9,8 vụ án và 13,5 tin báo tố giác trong một năm trong khi theo qui định, ĐTV cấp tỉnh thụ lý không quá 3 vụ án/năm và ĐTV cấp huyện thụ lý không quá 6 vụ án/năm” - Đại tá Nhân phân tích.
Đối với chất vấn “công an huyện giao công an cấp xã xác minh làm rõ hành vi phạm tội mới chuyển cho công an huyện thụ lý, giải quyết và việc xác minh ban đầu còn kéo dài, theo Đại tá Nhân đây là việc phân công theo qui định pháp luật chứ không phải đùn đẩy.
Cụ thể, do thực hiện quy định mới về tăng thẩm quyền đối với lực lượng công an cấp xã nên việc thực hiện các bước theo quy trình, thủ tục mới về công tác tiếp nhận, phân công, xác minh sơ bộ ban đầu có xã, phường gặp khó khăn nhất định. Một số công an cấp xã, cán bộ chiến sĩ chưa có kinh nghiệm nên vẫn còn bị động, lúng túng khi xử lý nguồn tin báo tội phạm phức tạp, kéo dài thời gian xác minh, dẫn đến việc vi phạm thời gian quá 7 ngày.
Trả lời chất vấn bổ sung của các đại biểu Hoàng Thanh Liêm, Huỳnh Thị Hoa, Dương Xuân Sơn, người đứng đầu Công an Bình Thuận thừa nhận có những vụ việc giải quyết quá hạn do thiếu ĐTV.
“Theo quy định đến năm 2025, tất cả các xã trên địa bàn phải có ĐTV. Tới đây, ngành công an sẽ tiếp tục bồi dưỡng, bổ nhiệm ĐTV đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”, Đại tá Nhân cho biết.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ án giải quyết quá hạn dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc phải tạm đình chỉ là công tác giám định và định giá của các cơ quan được trưng cầu.
Các cơ quan này có lúc chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian và chất lượng giám định, định giá không xác định được bản chất nội dung yêu cầu. Số lượng giám định viên trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản còn ít, chủ yếu tập trung ở Sở TN&MT nên chưa đáp ứng được yêu cầu giám định ngày càng nhiều...
Theo quy định, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết phải phân công thụ lý giải quyết theo quy định. Thời gian quy định như trên là quá ngắn không đủ thời gian tiến hành xác minh ban đầu để xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự hay không, nhất là đối với các tố giác về hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Bởi vì, đa số khi làm đơn cáo do người tố cáo không cung cấp được đầy đủ tài liệu xác định vụ việc là dân sự hay có dấu hiệu hình sự, nên cơ quan điều tra phải mời người tố giác đến làm việc cung cấp hay bổ sung tài liệu để có đủ căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm hay không. Do đó dẫn đến tình trạng chậm đưa vào tin báo.
(Theo Công an tỉnh Bình Thuận)