Chánh án TAND Tiền Giang kêu thiếu 20 thẩm phán

Ngày 30-7, Đoàn công tác liên ngành Trung ương đã khảo sát, đánh giá kết quả tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách Tư pháp (CCTP) đến năm 2020 và Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức và hoạt động của luật sư tại tỉnh Tiền Giang. Ông Lê Thành Long - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án - làm Trưởng đoàn.

Báo cáo trước đoàn công tác, ông Huỳnh Xuân Long, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang, cho biết vấn đề nhân sự của Tòa án đang gặp nhiều khó khăn, thiếu 20 thẩm phán. Mỗi tháng, một thẩm phán giải quyết khoảng 10 vụ.

“Theo chủ trương cho tăng số lượng thẩm phán nhưng không tăng biên chế, nguồn thẩm phán là lấy từ thư ký. Nếu bổ nhiệm đủ thẩm phán thì sẽ không có thư ký để làm. Hiện nay, một người phải làm thư ký cho 2-3 thẩm phán. Mỗi tháng một thư ký phải giải quyết khoảng 30 vụ. Ngoài ra, nhiều trường hợp thư ký còn phải đi tống đạt nên công việc rất nhiều”- ông Long trình bày và kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung biên chế cho Tòa án.

TAND tỉnh Tiền Giang thiếu 20 thẩm phán. Ảnh minh họa

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn rất phức tạp. Mô hình công an cấp huyện có đội này nhưng yêu cầu có đến ba Điều tra viên, hai cán bộ điều tra nên vẫn chưa tách được.

Đồng thời, ông Tảo cho rằng: "Nhiều quy định pháp luật chồng chéo, phức tạp, nhất là tín dụng đen xử hành chính không được, hình sự càng khó khăn. Đề nghị có ý kiến chấn chỉnh sửa đổi”.

Nói về khó khăn của ngành THADS địa phương, ông Phạm Văn Hân, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện nay kho vật chứng của nhiều cơ quan cấp huyện còn tạm bợ, phải thuê mướn nên khó bảo quản. Trong khi đó, vật chứng giá trị không cao nhưng nếu mất thì trách nhiệm rất nặng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đoàn khảo sát muốn nghe đánh giá cụ thể, khách quan, đầy đủ, không hình thức về các kết quả đạt được, những việc nào đã đề ra nhưng chưa làm được. Qua đó, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, tìm cách tháo gỡ.

Bộ trưởng cơ bản thống nhất những thông tin địa phương báo cáo và nhìn nhận khó khăn, vướng mắc phần nhiều là khó khăn chung của toàn quốc. “Tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban ngành cung cấp thêm các thông tin nhưng đừng quá tràn lan. Cần cho một số ví dụ điển hình để minh chứng cho dễ thuyết phục. Tiếp tục có thêm một bước nữa cung cấp cho Đoàn đồng thời đánh giá sâu sắc hơn một số nội dung”, Bộ trưởng yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm