Chào thua mũ bảo hiểm “dỏm”!

“Để xảy ra tình trạng mũ bảo hiểm (MBH) “dỏm” bày bán tràn lan như hiện nay, trách nhiệm đầu tiên là của các cơ quan quản lý thị trường. Vậy tại sao lại “đè” người dân ra xử lý?” - nhiều bạn đọc phản ánh với Pháp Luật TP.HCM sau khi nghe thông tin CSGT sẽ kiểm tra, xử lý người đi xe máy đội mũ không phải MBH (tạm gọi là MBH “dỏm” - NV).

Mũ "dỏm" tràn lan

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM như Đinh Bộ Lĩnh (khu vực trước Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh), Lý Thường Kiệt (quận 5), Thành Thái (quận 10), An Dương Vương (khu vực Công viên Phú Lâm, quận 6), Lũy Bán Bích (quận Tân Phú)... vẫn còn hàng loạt điểm bày bán MBH “dỏm”.

Ghé vào quầy bán mũ trước cổng Bến xe Miền Đông, người phụ nữ bán hàng cho chúng tôi biết: “Trước đây có nhiều người chọn mua mũ rẻ tiền để đối phó công an. Có người mua thì chúng tôi cứ bán. Nhưng mấy hôm nay lượng mua cũng giảm đi, tôi đã phải hạ giá”.

Mũ bảo hiểm “dỏm” không đạt chuẩn vẫn được bày bán tràn lan. Ảnh: MP

Tại một cửa hàng trên đường Lũy Bán Bích, chúng tôi thấy rất nhiều MBH “dỏm” được bày bán chung với những MBH có thương hiệu rõ ràng. Người bán hàng cho biết một chiếc mũ “dỏm” giá cao nhất chừng 50.000 đồng, còn đa phần chỉ 20.000-30.000 đồng. Chỉ vào một chiếc mũ mà chúng tôi biết chắc không phải là MBH “xịn”, người bán hàng đon đả: “Mũ “xịn” đấy. Đội cái này vừa đẹp, rẻ lại không lo bị phạt đâu”.

“Không phải ai cũng dễ dàng nhận biết mũ thật - mũ “dỏm” trong các cửa hàng như thế này. Cho nên việc không mạnh tay xử lý tận gốc, tức các điểm sản xuất, kinh doanh MBH “dỏm” mà lại kiểm tra chỗ ngọn, tức người đội mũ, là không ổn” - ông Nguyễn Minh Quang, khu dân cư Bình Lợi, quận Bình Thạnh đặt vấn đề.

“Các anh lấy cớ gì phạt tôi?”

Đồng quan điểm với ông Quang, ông Trần Anh Dũng (chung cư Ngô Gia Tự, quận 10) cho rằng thời gian tới cần tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của những MBH “dỏm”, đồng thời xử phạt thật nghiêm những người sản xuất, kinh doanh loại mũ này.

Tuy vậy, bằng thực tế của mình, ông Lê Thanh Tùng (quận Tân Phú) chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến các cơ quan chức năng bó tay với những người bán MBH “dỏm” trên vỉa hè. Thời gian đầu, khi thấy lực lượng chức năng, họ hốt hàng bỏ chạy. Nhưng về sau họ nói đầy thách thức: Tôi bán mũ thời trang, mũ thể thao chứ không phải MBH, cớ gì các anh lại phạt tôi? Thế là mấy anh quản lý thị trường chào thua”.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, người sản xuất, kinh doanh MBH “dỏm” có rất nhiều chiêu đối phó với lực lượng kiểm tra. Ông Bách cho hay: MBH “xịn” bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa với nội dung “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, trong khi thực tế có rất nhiều mũ có kiểu dáng tương tự MBH nhưng tem nhãn ghi rõ là “mũ thể thao”. Người sản xuất và người bán cũng khẳng định đây không phải là MBH nên nhiều trường hợp chúng tôi đành… chịu, không phạt được.

“Với những loại hàng hóa này, chúng tôi chỉ có thể căn cứ vào các quy định chung về hàng hóa lưu thông trên thị trường (phải có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, tính năng tác dụng, tên nhà sản xuất, hóa đơn chứng từ, người bán có chứng nhận đăng ký kinh doanh…) để xử lý. Còn một khi đã xuất trình đầy đủ những chứng từ theo quy định, chủ cửa hàng vẫn có thể ung dung bày bán những chiếc mũ này” - ông Bách nói.

MINH PHONG

Mũ “xịn” chất lượng vẫn kém

Theo bà Trịnh Tố Oanh, Giám đốc Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu tại Việt Nam, khi lấy mẫu 200 MBH đạt chuẩn đi thí nghiệm thì chỉ gần 40% mũ đạt chuẩn. Tương tự, trong số 800 mũ đạt chuẩn đang sử dụng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và TP.HCM chỉ gần 16% đạt tiêu chuẩn hấp thụ xung động. Chính vì chất lượng MBH có vấn đề như vậy nên cần đưa loại hình kinh doanh MBH thành lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Lý giải chuyện MBH “xịn” nhưng chất lượng kém, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi cục Phó Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM (Sở KH&CN), cho biết: Quy định cho phép nhà sản xuất, nhập khẩu được tự in dấu hợp quy (CR) lên sản phẩm, do vậy một số cơ sở sản xuất lợi dụng tự in và dán dấu CR lên mũ khi chưa thực hiện chứng nhận hợp quy. Mặt khác, nhiều đơn vị sản xuất được chứng nhận hợp quy nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị thô sơ với quy trình chủ yếu là đặt gia công hoặc mua vỏ, lớp vỏ đệm và các chi tiết khác để lắp ráp thành MBH. Do việc kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu đầu vào không đảm bảo nên chất lượng MBH không đạt yêu cầu.

Hiện có rất nhiều loại mũ có mẫu mã tương tự MBH và rất khó phân biệt với MBH "xịn". Trong khi việc xác định mũ ấy có phải là MBH đạt chất lượng hay không lại không thuộc thẩm quyền của CSGT. Cho nên nếu CSGT xử phạt thì sẽ gặp phản ứng từ phía người dân.

Một lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm