Sáng 20-5, tại TP Đà Nẵng, dưới sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) và Hiệp hội Khách sạn, hội thảo “Người quản lý Housekeeping hiện đại” đã chính thức diễn ra với tham dự của hàng trăm đại biểu là CEO và quản lý của các resort, khách sạn lớn trong nước và khu vực.
Ban tổ chức hội thảo này cho rằng năm 2017 là năm đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Trong đó, Đà Nẵng sẽ là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 dự kiến diễn ra từ 5 đến 11-11 với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên và các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà tỉnh, thành nào cũng muốn phát triển. Trong ảnh: Du khách đến tham quan Festival Huế năm 2017. Ảnh: SƠN TRÀ
Bà Đỗ Hồng Xoan (Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam) cho rằng từ một nền kinh tế du lịch ít người biết đến, năm 2011 Việt Nam lần đầu tiên đón 2,3 triệu khách du lịch quốc tế. Đến năm 2016, Việt Nam đã đón tới trên 10 triệu lượt khách, ghi một dấu mốc quan trọng. Đặc biệt, ngành du lịch còn tiếp đón, phục vụ cho 62 triệu khách nội địa trong năm 2016.
“Tổng doanh thu trong năm 2016 của ngành du lịch ước tính đạt khoảng 400.000 tỉ đồng, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 3 triệu người lao động. Chỉ tính riêng 4 tháng năm 2017 chúng ta đã đón được 4,2 triệu khách quốc tế, đây là con số rất đáng ghi nhận”, bà Xoan nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang (Chủ tịch CLB Quản lý buồng Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) cho rằng đối với các quản lý buồng phòng tại các khách sạn, resort 5 sao tại Việt Nam thì chất lượng không thua kém quốc tế. Thậm chí một số khách sạn và resort 5 sao ở Việt Nam còn được vinh danh có chất lượng, phục vụ, tiện nghi nhất châu lục và thế giới.
“Các nhân viên tại các khách sạn, resort này ngoài việc được huấn luyện, đào tạo thường xuyên thì công việc thực tế và đòi hỏi của du khách buộc họ phải tự làm mới mình, học hỏi để nâng cao trình độ, chất lượng phục vụ khách. Tuy nhiên, những khách sạn 3-4 sao thì chất lượng còn kém hơn trong khu vực”, ông Quang nói.