Chất vấn này được ĐB Phạm Đình Đoàn (huyện Mê Linh) nêu ra với luận cứ là Đảng ta đã xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Hà Nội cũng xác định như vậy nhưng theo báo cáo của Sở Nội vụ, trong bảng Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), một số chỉ số của Hà Nội năm 2024 bị tụt, thậm chí có chỉ số giảm tới 32 bậc. Cũng như vậy, Chỉ số Năng lực cạnh cấp tỉnh (PCI), Hà Nội giảm 8 bậc.
Tụt bậc PAPI, PCI và giải trình của lãnh đạo Hà Nội
“Tôi băn khoăn là không thể nào mà trình độ cán bộ Hà Nội, công chức Thủ đô lại thấp hơn các tỉnh thành khác cả. Vậy tại sao các chỉ số của chúng ta lại thấp hơn rất nhiều các tỉnh thành khác?"
ĐB Phạm Đình Đoàn nêu vấn đề và chất vấn Chủ tịch Hà Nội là thành phố có chương trình gì đào tạo, hay là có chỉ số gì đánh giá về cán bộ, công chức? Có giải pháp nào để cán bộ, công chức không những là làm việc bằng tri thức mà làm việc bằng trái tim?
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay, 3-7, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải nhận ủy quyền của Chủ tịch Trần Sĩ Thanh để trả lời vấn đề mà các đại biểu HĐND nêu ra.
Ông Hải đánh giá vấn đề mà ĐB nêu là “rất trọng yếu, vừa là khâu đột phá, vừa là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển, có thể nói là làm giảm niềm tin nếu chúng ta không làm tốt”.
Xác định rõ như vậy, nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND thành phố thời gian qua đã mang lại một số kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ 2021 đến nay đạt cao. Một số công việc lớn mang tính chiến lược phát triển cho Thủ đô trong nhiều năm tới như sửa đổi Luật Thủ đô, hoàn thiện các quy hoạch Thủ đô, triển khai dự án đường vành đai 4… đã được triển khai, có kết quả cụ thể.
“Đây là những việc mới, việc khó. Nhưng với tinh thần cải cách hành chính, tinh thần đổi mới, rõ ràng nó đã được đo đếm bằng kết quả cụ thể như vậy”. Ông Hải khẳng định, nhưng cũng thừa nhận bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như đại biểu phản ánh là “có những chỉ tiêu giảm so với địa phương khác”.
Về giải pháp, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết tới đây chính quyền sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những công cụ có thể đo đếm được các chỉ số cụ thể “theo thời gian thực”. Kết quả sẽ công khai cho từng đơn vị, sở ngành, địa phương nhìn thấy mình đang đứng ở đâu, so sánh với các đơn vị khác để cùng phấn đấu.
Bên cạnh đó UBND thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát toàn bộ thẩm quyền, quy chế và quy trình, cắt giảm thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tăng cường công khai minh bạch để người dân, doanh nghiệp giám sát.
Mấu chốt là tinh thần, thái độ phục vụ
Cũng theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, việc Hà Nội tụt bậc hoặc chưa đạt được thứ hạng cao trong các Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Chỉ số Năng lực cạnh cấp tỉnh có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là chất lượng cán bộ Hà Nội, gồm kiến thức, trình độ, năng lực, kỹ năng và thái độ.
“Nhiều người dân, doanh nghiệp có nói là có thể còn những điểm vướng, nhưng tinh thần, thái độ phục vụ tốt thì họ sẵn sàng lắng nghe, ủng hộ để chúng ta sửa, khắc phục” – ông Hải nói.
Về việc "cán bộ phải làm bằng trái tim" như đại biểu nêu, ông Hải cho hay Thủ đô xác định phương châm làm việc của bộ máy công vụ là thượng tôn pháp luật, nhưng phải luôn luôn lắng nghe và thái độ phục vụ tốt.
Như vậy, đã là cán bộ Hà Nội, công chức Hà Nội thì phải xác định là làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Nhưng cũng phải luôn luôn lắng nghe vì trong thực tiễn còn nhiều vướng mắc và bất cập, cần liên tục sửa đổi, hoàn thiện.
“Và quan trọng hơn nữa là tinh thần làm việc và thái độ phục vụ phải tốt. Nếu chúng ta làm bằng tình thần, thái độ, bằng trái tim thì chắc chắn hiệu quả, chất lượng công việc, đặc biệt là niềm tin, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với bộ máy nhà nước sẽ được cải thiện” – Phó Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Hà Nội tự tin cán bộ mình năng lực, trình độ hơn các tỉnh
Đăng đàn về nội dung này, ĐB Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội cho biết thời gian qua, Thành ủy đã tập trung đào tạo cán bộ theo vị trí việc làm, kỹ năng làm việc. "Khẳng định với đại biểu Đoàn là cán bộ Hà Nội không phải kém hơn so với các tỉnh, mà năng lực, trình độ hơn hẳn” – ông Bảo nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bảo, đối với diện cán bộ thuộc Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thay 3 lãnh đạo chủ chốt là giám đốc, trưởng các ngành và 6 chủ tịch các huyện. “Công việc của các sở ngành, địa phương sau khi thay cán bộ có rất nhiều tiến triển, đặc biệt trong việc giải quyết thủ tục hành chính”.
Huyện Hoài Đức là một trường hợp cụ thể. Qua thanh tra công vụ, thành phố phát hiện có dự án ở huyện này mà địa phương mất đến 884 ngày để trả lời một văn bản của Bộ KH&ĐT.
“Kiểm tra ra thì trách nhiệm không nằm ở UBND, cũng không phải do sở ngành mà do công tác tham mưu của các trưởng phó phòng, chuyên viên. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo thay thế một số cán bộ không làm việc, đùn đẩy né tránh" - ông Bảo kể lại.
Từ những câu chuyện cụ thể như vậy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy khẳng định UBND thành phố và các sở ngành thực ra rất quyết tâm, nhưng cơ quan tham mưu, cơ quan tổ chức thực hiện càng có trình độ thì càng dễ lách luật, uốn éo văn bản, gây phức tạp cho doanh nghiệp. "Điều này cần nhận diện rõ ràng” – ông Bảo đề nghị.
Tại phiên chất vấn, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo cho rằng người đứng đầu các sở ngành, địa phương cần làm tốt hai việc.
Thứ nhất là kiểm soát công việc của mình theo trách nhiệm người đứng đầu để tránh việc “quy trình đầy đủ nhưng không ai thực hiện, cũng không ai xử lý”.
Thứ hai là cần quan tâm đội ngũ trưởng phó phòng và cán bộ tham mưu. Có doanh nghiệp nói gặp trưởng phó phòng với chuyên viên khó hơn gặp giám đốc.
"Câu chuyện này ở chúng ta, không thuộc Thành ủy cũng chưa đến UBND thành phố” – ông Bảo nói.
Với tinh thần đó, ông Bảo đề nghị thủ trưởng các ngành và lãnh đạo quận huyện phải xác định trách nhiệm của mình với tư cách người đứng đầu trong việc đôn đốc, kiểm soát công việc và trong việc giải quyết xử lý công việc của cấp dưới thuộc thẩm quyền.