Như thường lệ, phần chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp QH cuối năm, Thủ tướng Chính phủ (CP) Nguyễn Tấn Dũng lại đăng đàn thực hiện trách nhiệm của mình trước các đại biểu (ĐB). Chiều 21-11, sau khi Thủ tướng trình bày báo cáo giải trình để trả lời sáu chất vấn gửi tới mình, 14 ĐBQH đã đăng ký chất vấn. Rất nhiều ĐB muốn chất vấn Thủ tướng nhiều câu, song Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói thời gian cho Thủ tướng rất ít, mỗi ĐB chỉ được nêu một câu hỏi. Có những ĐB trình bày dài, Chủ tịch QH liên tục ngắt lời: “Yêu cầu nói gọn thôi, tôi thấy thành thơ rồi đấy”. Tuy nhiên, cũng có lúc, ông Hùng phải “xin lỗi vì ngắt không đúng lúc”.
Khó trả hết nợ văn bản hướng dẫn luật
ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) hỏi về giải pháp của CP trong khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật. Cùng chủ đề, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi thẳng: “Không có văn bản hướng dẫn chi tiết thì CP lấy nghị định nào, luật nào để điều chỉnh các quan hệ xã hội? Việc không hành động (không ban hành kịp văn bản - PV) của cơ quan công quyền có phải là vi phạm pháp luật không?”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa sẽ trả lời hết các câu hỏi của ĐBQH và đăng công khai trên website của Chính phủ. Ảnh: TTXVN
Có 20 phút nghỉ giữa buổi nên Thủ tướng chuẩn bị khá kỹ cho phần trả lời. Ông thẳng thắn thừa nhận chậm nợ đọng văn bản là hạn chế kéo dài của CP và đã được khắc phục phần nào năm 2012 khi cuối năm chỉ còn nợ 27 văn bản. Sang 2013, số lượng văn bản CP phải ban hành tăng lên gấp đôi, tới con số 129 nên thời điểm báo cáo Thường vụ QH giữa năm, số nợ đọng lại tăng lên cao. Tuy nhiên, CP đã chỉ đạo quyết liệt, cải tiến cách thức xây dựng văn bản, đốc thúc trách nhiệm nên đến nay đã hạ xuống thấp. “Hôm qua, đồng chí Đam (tân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - PV) bàn giao công việc chủ nhiệm Văn phòng CP cho người kế nhiệm báo cáo với tôi là chỉ còn nợ 19 văn bản thôi. Nhiệm vụ tăng lên mà nợ kéo xuống thế là bước tiến” - Thủ tướng báo cáo.
Ông cũng nói rất muốn cuối năm “hết nợ” nhưng thực sự khó, vì có những văn bản rất phức tạp, chưa đủ dữ liệu đầu vào và chưa thật cấp thiết, chẳng hạn như nghị định về quỹ khắc phục thiệt hại do điện hạt nhân gây ra…
Còn nhiều câu hỏi hay và khó…
Thời gian chất vấn Thủ tướng chỉ khoảng một tiếng rưỡi thì phần trình bày báo cáo đã hết nửa giờ. Vì vậy hàng loạt câu hỏi của các ĐB khác chưa được trả lời ngay tại hội trường. ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt vấn đề: “Đề nghị Thủ tướng cho biết trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu của mình trước QH về kết quả phòng, chống tham nhũng của các cơ quan hành chính nhà nước? Tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng, cử tri hoan nghênh khi Thủ tướng nói việc thất thoát, tham nhũng tại các tổng công ty, tập đoàn kinh tế là ung nhọt, dù đau xót cũng phải cắt bỏ. Vậy từ khi được QH giao trọng trách là người đứng đầu, tháng 6-2006 đến nay, Thủ tướng đã đề nghị hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt, quốc nạn tham nhũng?”.
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) hỏi: “Các kỳ họp QH đều chỉ ra một hạn chế rất lớn, lặp đi lặp lại là kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm. Trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ ràng, để rồi thành thích thì cá nhân nhận, còn sai sót khuyết điểm thì lỗi của tập thể. Vậy Thủ tướng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?”...
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) thì cho rằng tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, chủ yếu phát giác thông qua báo chí, qua thanh tra còn hạn chế. “Thủ tướng có ý kiến gì về nhận định trên. Vì sao số tài sản thu hồi từ tham nhũng chỉ đạt 10%?”. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị Thủ tướng trả lời về chuyện làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng như kế hoạch đầu tư sân bay Long Thành…
Tuy nhiên, những câu hỏi trên chưa được trả lời vì thời gian chất vấn đã hết. “Giờ không còn thời gian, các chất vấn còn lại tôi sẽ trả lời sau và sẽ đăng công khai trên website của CP” - Thủ tướng hứa.
Vì sao cứ ngập ngừng? Phát biểu đầu kỳ họp, Thủ tướng nhận xét nhiều chủ trương, quan điểm phát triển đã được đề ra nhưng đi vào triển khai thì ý kiến khác nhau, dẫn đến thể chế chính sách ngập ngừng, thiếu dứt khoát, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Vậy đề nghị Thủ tướng cho biết nếu không giải quyết được sự ngập ngừng, thiếu nhất quán này thì làm sao đổi mới được thể chế, tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng? Phải chăng sự thiếu nhất quán này dẫn tới chậm chạp trong đổi mới, tái cấu trúc khu vực nhà nước? ĐBTRẦN DU LịCH(TP.HCM) |
NGHĨA NHÂN