Châu Âu chìm trong… bệnh tưởng

Những người bị bệnh tưởng luôn bị ám ảnh tiêu cực và thái quá về tình trạng sức khỏe của bản thân mình, họ lúc nào cũng nghĩ rằng mình đang mắc phải một căn bệnh nan y nào đó. Đây phải chăng là hệ quả từ một xã hội quá dư thừa, quá sung túc?

Một thời đại luôn tưởng mình bị bệnh!

François, một người Pháp, bắt đầu ngày làm việc của mình bằng một thói quen cố hữu, mà cũng có thể là độc nhất vô nhị trên thế giới: Sáng sớm, anh tìm đọc ngấu nghiến các cáo phó trên báo, không phải để gửi lời chia buồn đến gia đình người quá cố mà là để làm một con tính thống kê nhỏ mỗi ngày. Anh đối chiếu tuổi của những người đã chết với tuổi của mình, tìm cách giải mã để tìm cho ra (và phỏng đoán) những người đó đã chết vì bệnh gì, rồi ước tính quãng thời gian còn lại mà anh còn có thể sống được trên cõi đời này! Sau đó, thế là xong, hít một hơi dài để lấy tự tin, François bắt đầu công việc, thế nhưng suốt ngày anh cũng gặp biết bao là dịp để tự mình lo âu về cơ thể và thể trạng của mình. Đối với François, sức khỏe là một “trạng thái nhất thời và mong manh, một trạng thái không có gì tốt lành giúp chúng ta có thể biết trước được cả”.

Frédéric, 39 tuổi, chủ một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Roissy, phía nam Paris, luôn thức dậy buổi sáng với nỗi lo canh cánh rằng chắc chắn bên trong anh đang có một điều gì không ổn: Vùng chẩm phía sau gáy bỗng nhói đau y như ngày hôm qua vậy! Nếu như người khác, Frédéric có thể uống một viên aspirin giảm đau nhưng anh nghĩ đến sự việc còn tồi tệ hơn thế nữa. Anh dùng tay xoa gáy và cảm thấy vùng sau cổ cứng đờ. Anh nhìn lên trần nhà, ánh đèn trong phòng sao chói lòa, không thể chịu được. Đúng rồi: “Mình đã bị viêm màng não!”. Mạch đập đang tăng nhanh, chắc là sẽ bị sốt thôi! Frédéric tưởng tượng ra đoạn phim anh đang hấp hối như thế nào. Sáng nay, đầu óc quay cuồng, ông chủ doanh nghiệp không tài nào tập trung vào công việc được nữa.

Theo ước tính, cũng trong trạng thái giống như 2%-4% người Pháp, Frédéric đang mắc bệnh tưởng, một rối loạn dẫn đến lo âu và lo sợ với ý nghĩ thường trực là cơ thể đang mắc phải một căn bệnh trầm trọng như lao, bạch cầu, rối loạn tim-mạch, ung thư,...

Căn bệnh mới của thế kỷ

Căn bệnh xưa nhất thế giới này đã được xác định từ thời Hy Lạp cổ đại và được đánh giá là “chứng loạn thần kinh biến thành hành động” và hiện nay được xếp vào danh sách bệnh “rối loạn trạng thái lo âu”. Một nghiên cứu của Công ty Tư vấn và Điều tra TNS (Taylor Nelson Sofres) được thực hiện vào năm 2012 đã không phủ nhận hiện tượng bệnh này và đã chỉ ra rằng 30% các can thiệp hoặc hỗ trợ y khoa là không cần thiết, bởi theo BS Houdart, hơn 25% các thao tác này của bác sĩ không ngoài mục đích là “làm cho bệnh nhân an tâm mà thôi”.

Những đối tượng bị bệnh tưởng như thế thường rất “sùng bái” kỹ thuật chụp y khoa, họ thường “cầu cứu” đến chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp xạ hình (scintigraphy). Họ thường kêu đến dịch vụ cấp cứu, thường loay hoay, băn khoăn xem liều lượng thuốc mình đang dùng có đủ để chữa khỏi bệnh chưa, họ thường đi khám hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, thế nhưng họ thường không tin bác sĩ nào cả! Họ là những người “siêu hoảng loạn” với ý nghĩ mình đang bị bệnh, một ý nghĩ nặng trịch trong đầu mà họ không tài nào rứt ra được. Họ lắng nghe, săm soi tất cả cơ quan bộ phận trên cơ thể mình 24/24 giờ xem chúng đang bị bệnh như thế nào.

Cũng theo BS Lejoyeux, một lý do khiến căn bệnh tưởng càng trở nên trầm trọng vào thời buổi hiện nay chính là do hiện tượng “loạn thần kinh từ các phương tiện truyền thông”, ông nói: “Chính hệ thống xã hội chúng ta ngày nay đã liên tục thúc đẩy chúng ta đến chứng bệnh tưởng”. Lấy ví dụ về những scandal về y tế, những bê bối về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đã từng bị các phương tiện truyền thông khai thác quá đáng khiến cộng đồng mất niềm tin vào y học. Rồi đến biết bao nhiêu bài viết được đăng tải trên các trang báo mạng, diễn đàn,... khiến mọi người hoang mang, dẫn đến hoang tưởng về tình trạng sức khỏe của mình.

Những người bệnh tưởng thời kỹ thuật số

Hiện nay, cứ 10 người Pháp thì đã có bảy người lên mạng tham khảo tài liệu y khoa rồi sau đó mới đi bác sĩ. Do đó Internet giờ đây đã trở thành phương tiện cung cấp thông tin sức khỏe thứ hai cho bệnh nhân, sau dược sĩ. Và giới y học về bệnh lý tâm thần không còn gọi họ là bệnh tưởng nữa mà thêm vào là “bệnh tưởng thời kỹ thuật số”, những bệnh nhân này luôn lao vào tìm kiếm thông tin trên Internet để tự định bệnh cho mình. Chính chuyên mục diễn đàn của “Doctissimo” đã thu hút đến phân nửa số người vào xem trang này.

Trên trang chủ của web này, không bệnh nhân nào có thể dửng dưng được với những dòng tít rất lôi cuốn, như những căn bệnh gây thoái hóa hệ thần kinh ở người cao tuổi, mặt trái của sự trường thọ, làm thế nào để hiểu rõ việc bệnh nhân nghiện thuốc giảm đau,... Thế cho nên vì lượng người truy cập quá nhiều, trang web này đã có cách để giảm tải bằng cách quy định mỗi bệnh nhân chỉ có thể đặt hai câu hỏi/tuần mà thôi (với giá 20 USD/câu hỏi được trả lời) nhưng có người quá bức xúc, lách quy định này bằng cách dùng nhiều tên giả khác nhau cho mỗi lần đặt câu hỏi. Từ đó, song song với bác sĩ điều trị, Internet đã trở thành nguồn cung cấp thông tin y học.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Point L’Express)

Theo GS Ingvard Wilhelmsen, người chuyên chữa trị cho “những bệnh nhân không có bệnh gì cả” tại BV Bergen của Na Uy, bệnh tưởng là một căn bệnh của nhà giàu: Số người bị bệnh tưởng rất hiếm gặp trong một xã hội mà mọi người đều phải chạy miếng ăn hằng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm