Châu Âu khẩn trương giải bài toán khí đốt trước mùa đông

(PLO)- Các lãnh đạo châu Âu đang khẩn trương giải bài toán khí đốt khi hiện có “một mối đe dọa rất thực tế” là “sẽ không có bất kỳ khí đốt nào của Nga” trong mùa đông tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần như cả thế giới đang phải vật lộn với giá năng lượng cao và châu Âu là khu vực đang bị căng thẳng nhất, theo tạp chí Foreign Policy.

Hàng hiếm, giá cao

Châu Âu - khu vực nhập khẩu ròng khí đốt, dầu mỏ và đang điêu đứng với cuộc khủng hoảng năng lượng. Thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973, giá dầu tăng hơn bốn lần, năm 2022 này giá khí đốt đã tăng gấp 15 lần kể từ đầu năm. Chi phí nhập khẩu đang tăng nhanh hơn nhiều so với giá trị xuất khẩu. Ngay cả với giả định thận trọng rằng giá khí đốt sẽ giảm trở lại trong những tháng tới, tác động lên một số nước châu Âu - trong đó có Đức và Ý - sẽ còn nghiêm trọng hơn so với tác động từ cú sốc dầu những năm 1970.

“Chúng ta có giá khí đốt trên trời và vẫn còn vài tháng nữa là đến thời điểm nhu cầu khí đốt thực sự đạt đỉnh trong mùa đông. Thực sự không thể chắc chắn liệu có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong suốt mùa đông hay không” - Foreign Policy dẫn lo ngại của chuyên gia Alex Munton về thị trường khí đốt toàn cầu tại Công ty tư vấn Rapidan Energy Group (Mỹ).

Có thể nói vấn đề lớn nhất đang gây khó khăn khắp châu lục là giá khí đốt tăng vọt, thúc đẩy thêm lạm phát vốn đã rất cao, làm đình trệ các ngành công nghiệp và khiến người dân nóng ruột với hóa đơn năng lượng. Giá khí đốt ở châu Âu hiện đắt hơn khoảng 10 lần so với ở Mỹ. Cần lưu ý mức giá này là ở hiện tại, chưa phải tới mùa đông.

Tình hình càng báo động khi mùa đông đang tới. Thông thường châu Âu có thể nạp đầy kho khí đốt của mình vào mùa hè và xả kho vào mùa đông, khi mức sử dụng cao hơn. Hiện châu Âu đang chạy đua với thời gian để lấp đầy các bồn chứa dự trữ, trong bối cảnh mùa đông đang đến gần mà Nga lại thắt chặt nguồn cung khí đốt. Bình thường Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Với tình hình hiện tại, theo chuyên gia Alex Munton về thị trường khí đốt toàn cầu tại công ty tư vấn Rapidan Energy Group (Mỹ), hiện có “một mối đe dọa rất thực tế” là “sẽ không có bất kỳ khí đốt nào của Nga”.

Bà Manuela Schwesig - Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern và ông Markus Söder - thủ hiến bang Bavaria (thứ hai từ trái sang) đến thăm một địa điểm mạng lưới đường ống khí đốt ở thị trấn Lubmin thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức) ngày 30-8. Ảnh: AFP

Bà Manuela Schwesig - Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern và ông Markus Söder - thủ hiến bang Bavaria (thứ hai từ trái sang) đến thăm một địa điểm mạng lưới đường ống khí đốt ở thị trấn Lubmin thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức) ngày 30-8. Ảnh: AFP

Chuyên gia Munton cho rằng nếu không có nguồn cung của Nga vào mùa đông, các quốc gia châu Âu sẽ buộc phải phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt, thậm chí nhiều hơn từ các nhà cung cấp khác như Mỹ. Vấn đề là châu Á - một thị trường khí đốt lớn - cũng đang cạnh tranh để có được các nguồn cung tương tự, có nghĩa là giá sẽ vẫn luôn cao.

Nỗ lực tránh một mùa đông không khí đốt

Thực tế này buộc các nhà lãnh đạo châu Âu phải ứng biến các kế hoạch cứu trợ và các biện pháp khẩn cấp để giúp người tiêu dùng khỏi bị tổn hại kinh tế vào mùa đông, theo Foreign Policy.

Về trong nước, các nhà lãnh đạo châu Âu ban hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng trên diện rộng để giúp hạn chế sử dụng điện. Tây Ban Nha trước đó đã khuyến cáo người lao động không đeo cà vạt để tiết kiệm năng lượng, tuần rồi thông qua một kế hoạch mới nhằm tiết kiệm năng lượng, bao gồm các quy tắc về điều hòa không khí và hệ thống sưởi để hạn chế mức tiêu thụ.

Pháp đe dọa phạt các cửa hàng mở điều hòa không khí mà không đóng cửa. Đức tắt đèn chiếu sáng các tượng đài ở Berlin. Một bộ phận người dân Đức tích trữ gỗ phòng khi không có khí đốt sưởi ấm vào mùa đông tới.

Trong bối cảnh châu Âu muốn thoát lệ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga, nhiều lãnh đạo châu lục đã gấp rút tìm kiếm các thỏa thuận và nguồn cung thay thế từ các quốc gia khác. Chẳng hạn, Ý thỏa thuận mua nhiều khí đốt hơn từ Algeria, trong khi các quốc gia khác chuyển sang Azerbaijan, Na Uy và Qatar. Đức cũng hy vọng về một thỏa thuận khí đốt mới với Canada.

Một số nước khác đã đầu tư đáng kể để xây dựng cơ sở hạ tầng khí đốt, chẳng hạn Đức đang chạy đua để xây dựng năm nhà ga tiếp nhận khí đốt, Hà Lan, Phần Lan và Ý cũng đang chuẩn bị nhiều nhà ga để nhập khẩu khí đốt.•

Vấn đề khí đốt không chỉ do cuộc chiến Nga - Ukraine

Theo Foreign Policy, vấn đề khí đốt phần lớn là do cuộc chiến Nga - Ukraine, vốn đã làm gián đoạn xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu. Nhưng không chỉ chiến tranh, tình trạng suy giảm sản xuất điện ở châu Âu do nắng hạn cũng là yếu tố đẩy giá khí đốt tăng thêm.

Bên cạnh tình trạng tăng nóng giá khí đốt, giá điện ở cả Đức và Pháp một lần nữa lên mức kỷ lục trong tuần này, phản ánh tình trạng khẩn cấp về điện ngày càng sâu sắc ở châu lục. Hóa đơn tiền điện ở các nước châu Âu tăng chóng mặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm