Cháu bé bị mù, liệt do thuốc gây mê

“Hội đồng khoa học của bệnh viện đã kết luận nguyên nhân bé Nguyễn Hữu Khang (29 tháng tuổi) bị liệt, mù sau ca mổ ngày 29-8 là do thuốc gây mê (gồm ba loại thuốc). Bệnh nhi nhạy cảm với thuốc và đây là tai biến y khoa, nằm trong xác suất cho phép”. Ngày 15-10, BS Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc BV Đa khoa Bình Thuận, cho biết như trên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bệnh viện đã không quan tâm đến dấu hiệu về hô hấp của cháu trước khi phẫu thuật và vi phạm Quy chế Bệnh viện của Bộ Y tế khi bố trí bác sĩ mới ra trường mổ cho bé Khang.

Theo BS Quang, cách đây mấy năm tại bệnh viện cũng có một ca tương tự, nhiều bệnh viện khác trong nước cũng gặp những trường hợp này, thậm chí tử vong ngay trên bàn mổ.

Cháu bé bị mù, liệt do thuốc gây mê ảnh 1

Đôi mắt của bé mở to nhưng không còn thấy ánh sáng. Ảnh: PN

Về trường hợp của bé Khang, hiện bệnh viện đã cho bé tập vật lý trị liệu để hồi phục dần dần. Hiện bệnh viện đã trích từ quỹ phúc lợi 5 triệu đồng để hỗ trợ cho bé Khang. “Bệnh viện sẽ có báo cáo cho UBND tỉnh Bình Thuận về các nội dung trên” - BS Quang nói.

Trả lời câu hỏi vì sao BS Nguyễn Thanh Thiện, trưởng kíp mổ cho bé Khang, là bác sĩ đa khoa, chưa được bổ túc chuyên khoa ngoại theo quy định nhưng vẫn được phẫu thuật, BS Quang giải thích: Thoát vị bẹn là phẫu thuật đơn giản và một phó giám đốc phụ trách đã duyệt cho BS Thiện mổ ca này.

Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ chuyên khoa ngoại cho biết việc để một bác sĩ đa khoa chưa học và chưa có chứng chỉ chuyên khoa ngoại giải phẫu dù đó là tiểu phẫu, trung phẫu hay đại phẫu thì cũng vi phạm Quy chế Bệnh viện của Bộ Y tế. “Mổ thoát vị bẹn được xếp là trung phẫu nên nhất thiết phải có chứng chỉ chuyên khoa ngoại. Đặc biệt, đối với các bác sĩ mới ra trường thì ngoài chứng chỉ chuyên khoa ngoại còn phải có thời gian tập sự trong phòng mổ hai năm mới được thực hiện phẫu thuật. Trong khi BS Thiện tập sự trong phòng mổ chỉ mới hơn một năm, lại chưa có chứng chỉ chuyên khoa mà cho phẫu thuật là vi phạm”.

Theo một nguồn tin, trước khi thực hiện phẫu thuật, bé Khang có dấu hiệu chảy nước mũi nhưng trưởng kíp mổ vẫn ra y lệnh gây mê để thực hiện phẫu thuật.

Một bác sĩ giải phẫu lâu năm cho biết nếu phát hiện bệnh nhi có dấu hiệu chảy nước mũi, kíp mổ phải tạm ngưng ngay để kiểm tra bệnh nhi có bị cảm cúm, viêm phổi hay các bệnh về hô hấp hay không. Rất tiếc, kíp mổ đã không tạm ngưng. Do ca mổ cho bé Hữu Khang là ca mổ phiên (xếp lịch mổ) chứ không phải là mổ cấp cứu nên cần phải xem xét trách nhiệm về việc này vì đây có thể là nguyên nhân làm bé bị tai biến sau mổ.

Luật sư Đỗ Minh Trúc (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), người bảo vệ quyền lợi miễn phí cho bé Khang, cho biết: Kíp mổ có dấu hiệu vi phạm Điều 109 BLHS về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. “Tới đây, tôi sẽ hỗ trợ mẹ bé Khang gửi đơn yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm xem xét lại vụ việc” - luật sư Trúc nói.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm