Thông tin cháu T. (11 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) có khả năng “gây cháy” thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chiều 15-5, đoàn nghiên cứu của ĐH Hồng Bàng đã đến nhà cháu bé và nghiên cứu hiện trạng. PGS-TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Bàng (TP.HCM), thay mặt đoàn thông tin cho báo chí cháu T. là tài sản quý giá. Trước đó, gia đình đã đưa cháu đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ địa sinh học thuộc trường này để kiểm tra. Cháu được chụp não đồ bằng máy RFI để đo hào quang trong não.
Những dấu chấm hỏi
Chỉ nghe, chưa ai thấy! - Trả lời báo chí, gia đình cháu T. khẳng định cháu có thể “gây cháy” bất kỳ vật gì. Thậm chí cháu ở trên lầu thì đồ đạc dưới nhà bốc cháy và ngược lại. Gia đình cháu quả quyết cháu có thể “gây cháy” bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, những sự việc trên chỉ được nghe kể, không một ai tận mắt chứng kiến. Một câu hỏi đặt ra: Vì sao đã ba ngày qua, từ khi thông tin cháu T. có khả năng “gây cháy” được đăng trên báo chí (13-5) đến nay không xảy ra vụ cháy nào?
Nguồn cháy di động, nhà trường không sợ? - Để xác minh sự việc, báo chí cần gặp trực tiếp cháu T., tuy nhiên lấy lý do sợ tâm lý cháu bị tác động nên cả gia đình và nhà trường không cho báo chí tiếp xúc. Chưa hết, cháu T. đang theo học tại một trường quốc tế ở quận 1 (TP.HCM), nơi có nhiều bàn ghế bằng gỗ, sách, vở, rèm cửa…, toàn vật dụng dễ cháy. Trường học có hàng trăm học sinh mà khả năng tự bảo vệ còn hạn chế. Với khả năng gây cháy như đã nêu, cháu T. đã thật sự trở thành nguồn nguy hiểm cao độ. Việc để cháu tiếp tục đi học bình thường, thường xuyên tiếp xúc với những vật dụng dễ cháy sẽ là nguy cơ tiềm tàng. Thêm nhiều câu hỏi đặt ra: Chẳng lẽ nhà trường không sợ tài sản bị thiêu rụi? Chẳng may xảy ra vụ cháy thì liệu hàng trăm học sinh thoát thân kịp không?
Theo gia đình, máy nước nóng bị cháy do cháu T. gây ra. Ảnh: TRẦN NGỌC
Gia đình cho rằng cháu T. là nguyên nhân gây cháy các ổ điện trong nhà. Ảnh: TRẦN NGỌC
Đã chứng minh được đâu mà nghiên cứu?!
Chúng tôi đi tìm câu trả lời từ phía các nhà khoa học. TS Cao Huy Thiện, Phó Viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM, ngờ vực: “Tôi không tin năng lượng xuất phát từ cơ thể con người có thể gây cháy đồ vật. Những vụ việc gây cháy chỉ nghe từ phía gia đình, không ai tận mắt chứng kiến”.
TS Thiện nhấn mạnh bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng phải được chứng minh bằng khoa học thực nghiệm xem nó có thật hay không, phải thực nghiệm nhiều lần mới có kết luận chính xác. Trong trường hợp hiện tượng chỉ xảy ra ngẫu nhiên thì không thể kết luận. Trong trường hợp này phải thực nghiệm khả năng gây cháy của cháu bé là có thật hay không rồi mới có nghiên cứu tiếp theo. Việc đưa cháu chụp RFI khi chưa chứng minh khả năng gây cháy là không phù hợp.
PGS-TS Nguyễn Đình Phư, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Năng lượng sinh học - CBE, cũng cho rằng: “Tôi có theo dõi hiện tượng này nhưng nghiên cứu những hiện tượng thế này phải thực hiện một cách nghiêm túc. Nếu cá nhân nào, tổ chức nào khảo sát chưa kỹ, phát ngôn lung tung sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc sống của cháu bé, của gia đình, thậm chí cả xã hội”.
Sở KH-CN dè dặt
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho biết hôm nay (17-5), một số nhà nghiên cứu của trung tâm cùng các nhà ngoại cảm từ Hà Nội sẽ đến gia đình cháu T. để tìm hiểu khả năng “gây cháy” của cháu…
Ông Nguyễn Trường Giang, Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, khẳng định: “Do là cơ quan quản lý nhà nước nên Sở không lập hội đồng khoa học để nghiên cứu khả năng “gây cháy” của cháu T. Tuy nhiên, bất kỳ hội đồng khoa học nào đứng ra nghiên cứu nếu cần giúp, Sở sẽ hỗ trợ bằng cách tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia… để cùng tham gia”.
Công an phường: Chỉ nghe nói!
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng Công an phường 2 (quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay: Gia đình bé T. đã ngụ tại địa phương trên 10 năm và bé sống tại đây từ nhỏ cho đến giờ, không hề có biểu hiện gì bất thường xảy ra. Sau khi xảy ra hiện tượng cháy lớn, công an phường mới được gia đình báo lại.
Bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch UBND phường 2 (quận Tân Bình), cũng cho biết: “Phường chỉ mới nhận được phản ánh từ bên tổ dân phố và khu phố về tình trạng đồ vật tự bốc cháy ở chung quanh cô bé. Sắp tới phường sẽ chỉ đạo triệu tập cuộc họp trong tổ, khu phố để phổ biến tình hình cho những người dân sống chung quanh cần đề phòng nhiều hơn với nguy cơ gây hỏa hoạn. Phường cũng sẽ nhắc nhở gia đình cháu cần trông coi cháu nhiều hơn và tăng cường thêm các bình chữa cháy trong nhà để dễ dàng sử dụng khi có sự cố xảy ra”.
Cháy không thuộc quy luật vật lý thông thường Khoa học vật lý nói riêng và khoa học thực nghiệm nói chung hiện nay quan niệm rằng sự cháy là do nhiệt độ cao nên ai cũng muốn giải thích theo hướng bé T. “phát nhiệt”. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân gây cháy khác nữa: Có phản ứng khử, trong trường hợp không có chất xúc tác cháy là oxy. Nguyên nhân thứ ba là vật chất tự thay đổi cấu trúc, bị biến dạng do cộng hưởng các sóng. Cháu T. gây cháy có thể do nguyên nhân thứ ba nhiều hơn hai nguyên nhân ở trên, bởi cái xô đang đựng nước trong nhà vệ sinh cũng bị cháy. Chẳng có một nguồn nhiệt nào mạnh đến mức truyền dẫn những 20 m (nên biết rằng súng phun lửa cũng chẳng đạt được khoảng cách này!), hơn nữa một chiếc xô đựng nước thì bạn không thể đun kiểu gì bằng nhiệt cho nó cháy được. Vậy là nguyên nhân gây cháy trong trường hợp này không thuộc quy luật vật lý thông thường, nó thuộc “quy luật của sự sống” - chuyển hóa năng lượng mang thông tin ngoài quy luật vật lý. PGS-TS NGUYỄN ĐÌNH PHƯ Ngoại trừ ĐH Hồng Bàng, chẳng ai biết máy RFI là gì (?!) Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Cảm xạ địa sinh học - ĐH Quốc tế Hồng Bàng, thiết bị hiện ảnh trường cộng hưởng (RFI) hay còn gọi là máy đo hào quang RFI là một kiểu mở rộng của thiết bị ảnh hưởng cộng hưởng từ (MRI). Thế nhưng qua hai bài viết rất dài mang tính quảng cáo, nhiều đoạn "đại ngôn" người ta vẫn không rõ máy do nước nào, công ty nào sản xuất, RFI là viết tắt của những từ gì... Các bài này cũng lưu ý: Máy không cho ra ảnh thật nên phải suy... để tìm cách hiểu (!). Được hỏi, một số chuyên gia vật lý, y học lại cho rằng chưa nghe, chưa thấy, chưa biết về cái gọi là máy đo hào quang RFI. BS Lương Hữu Thông, nguyên Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2, nói: “Tôi không tin có loại máy có thể chụp được những hào quang trong cơ thể con người. Và tôi cũng chưa thấy có tài liệu nào, cơ sở nào nói con người phát hào quang. Bởi cơ thể người là tập hợp các chất hữu cơ: lipit, protein, canxi… mà những chất này thì không thể phát quang được. Hiện tượng phát quang chỉ xảy ra khi có những chất đồng vị phóng xạ nhưng chất này không thể tồn tại trong cơ thể con người vì nếu có, con người không thể sống được. |
TRẦN NGỌC - PHONG ĐIỀN