Liên quan đến vụ cháy chùa Phổ Quang, tại Phú Thọ xảy ra sáng nay, 23-10, trao đổi với PLO, Cục Di sản văn hoá (Bộ VH-TT&DL) cho hay, đơn vị này vừa có văn bản gửi Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, Cục Di sản văn hoá đề nghị Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra thực tế tại di tích, có ngay biện pháp bảo vệ bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá, đồng thời đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ VH-TT&DL trước 10g ngày 24-10-2024.
Trước đó, như PLO đã thông tin, UBND huyện Lâm Thao, Phú Thọ vừa có thông tin ban đầu về vụ cháy chùa Phổ Quang. Theo đó, thiệt hại quy ra tiền ước tính khoảng 25 tỉ đồng, gồm toàn bộ phần gỗ, mái ngói âm, hệ thống điện, các pho tượng bằng đất và bằng gỗ trong ngôi Tam Bảo.
Về diễn biến vụ cháy, theo báo cáo ban đầu của huyện Lâm Thao, gần 10 giờ sáng nay, ông Nguyễn Xuân Quang, nhà ở đối diện chùa phát hiện có cháy trong ngôi Tam Bảo, chùa Phổ Quang.
Ngay lập tức, ông chạy sang chùa và hô hoán người dân sử dụng bình chữa cháy và các dụng cụ sẵn có để dập lửa. Tuy nhiên, lửa không tắt và tiếp tục lan ra các khu vực xung quanh.
Khoảng 10 giờ 15 phút, lực lượng phòng cháy chữa cháy địa phương có mặt tại hiện trường. Dù vậy, trong không khí khô hanh cuối thu của các tỉnh phía Bắc, phải tới 11 giờ 40 phút, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
Chùa Phổ Quang được xây dựng từ hơn 800 năm trước, còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị, đặc biệt là chiếc bệ đá hoa sen - một công trình nghệ thuật điêu luyện cổ kính từ đời Trần (thế kỷ XIV). Ngôi Tam Bảo là kiến trúc lưu giữ nhiều pho tượng quý, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cũng như tôn giáo.
Với giá trị to lớn ấy, năm 1980, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) đã ban hành Quyết định số 92-VHTT/QĐ, công nhận chùa Phổ Quang là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Chùa Xuân Lũng (Phổ Quang tự), xã Xuân Lũng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10-7-1980.
Trong tòa Chính điện còn lưu giữ được 1 hiện vật vô cùng độc đáo, đó là Bàn thờ Phật bằng đá. Đây là hiện vật đã gắn với lịch sử của ngôi chùa từ cuối thế kỷ XIV, do Sử Đài Điển ngự thư Đô chính thủ Nguyễn Lạp, tên tự Đạo Không cư sĩ, cùng Thái học Điển trù Tiểu chi hầu Nguyễn Chiêu, tự là Ngộ Không cư sĩ và vợ là Nguyễn Thị Sửu, tên tự là Bà Công Tín cung tiến, hoàn công vào ngày 12 tháng 2 năm Đinh Mão, niên hiệu Xương Phù năm thứ 10 (1387).
Đây là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ thể hiện kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật chạm khắc đá độc đáo của nghệ nhân dân gian.
Bàn thờ Phật bằng đá có kết cấu 5 tầng được lắp ghép từ nhiều phiến đá theo hình chữ Công tạo nên sự liên kết vững chãi. Từ loại chất liệu đá xanh nặng nề, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã để lại cho đời cổ vật độc đáo, thành công kỳ diệu cả về kỹ thuật, mỹ thuật và cả sự triết lý tư tưởng: Thực và phi hiện thực “Cá hóa rồng”, “Độc long”, “Sư tử vờn hoa”… Đặc biệt là hình tượng con rồng với đặc điểm độc đáo của nghệ thuật thời Trần với đề tài “Cá hóa rồng”.
Đây cũng là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng “Sư tử hí cầu” và “Cá hóa rồng” trong mỹ thuật cổ.
Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng là một hiện vật gốc độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị mỹ thuật; có giá trị cao về thực tiễn, đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn đặc biệt này, ngày 25-12-2021, tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Chính phủ, Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ