Ngày 20-4, Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang cho biết đến ngày 19-4, đơn vị này đã hỗ trợ trung chuyển hơn 21.000 hành khách trên 74 đoàn tàu qua đường bộ để tiếp tục hành trình do sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió ở đèo Cả, đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.
Mỗi ngày trung chuyển 500 tấn hàng hóa
Theo Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, khi đường hầm đường sắt qua đèo Cả bị tê liệt do sạt lở, khó khăn lớn nhất của ngành đường sắt là việc trung chuyển hàng hóa qua địa phận hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Định và các ga khác trong cả nước.
Theo đại diện ga Hòa Huỳnh (đóng tại xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), mỗi ngày đơn vị phải vận chuyển 20-22 container từ ga Hòa Huỳnh ra ga Diêu Trì (Bình Định) và ngược lại.
“Mỗi ngày hơn 500 tấn hàng hóa được trung chuyển liên tục từ Ninh Hòa ra ga Diêu Trì. Các tài xế chạy hết công suất nhằm không để hàng hóa ùn ứ” - đại diện ga Hòa Huỳnh thông tin.
Có mặt tại ga Hòa Huỳnh khi tàu hàng xuất phát từ ga Sài Gòn (TP.HCM) vừa dừng bánh, PV ghi nhận các container được bốc dỡ lên xe đầu kéo để trung chuyển ra ga Diêu Trì.
“Chúng tôi cố gắng không để hàng hóa tồn đọng quá nhiều ở các ga tại hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định. Tất cả chi phí trung chuyển hàng hóa đều do ngành đường sắt chi trả, chủ hàng không phải chịu thêm bất kỳ chi phí phát sinh” - ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, nói.
Gần một tuần nay tham gia trung chuyển hàng hóa từ Khánh Hòa ra Phú Yên và ngược lại, ông Trần Phước Tuệ, cho biết trung bình một ngày một chuyến ra và một chuyến vào. “Công việc khá vất vả khi thời tiết nắng nóng cao điểm nhưng do sự cấp thiết của hàng hóa nên cố gắng chạy đúng tiến độ” - ông Tuệ nói.
Cũng theo đại diện ga Hòa Huỳnh, hiện hàng hóa về ga chủ yếu hàng khô, không còn hàng đông lạnh như những ngày đầu xảy ra sạt lở hầm Bãi Gió.
“Chúng tôi huy động hơn 10 xe container túc trực tại ga để chuyển hàng ngay khi tàu về. Tại ga hiện không có hàng đông lạnh do đã ngưng vận chuyển từ ga Sài Gòn hoặc ga Sóng Thần, Bình Dương"- đại diện ga Hòa Huỳnh nói.
Hoàn thành các mũi khoan gia cố vỏ hầm Bãi Gió
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc điều hành dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang (Ban Quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải), hiện đã thực hiện 37 mũi khoan neo bên trong hầm và hai mũi khoan từ trên đỉnh núi xuống vị trí sạt lở.
Hai mũi khoan từ đỉnh núi vừa giúp quan sát kết cấu đất đá ở vị trí sạt lở bằng camera, vừa giúp các chuyên gia xác định tình trạng ở vỏ hầm để thực hiện các mũi khoan bên trong.
37 mũi khoan bên trong sẽ phun vữa bê tông áp suất cao giúp neo, làm cứng gia cố kết với vòm hầm. Sau khi các mũi khoan thành công, lực lượng thi công bơm bê tông, lắp khung sắt vào thân hầm. Đồng thời đào khoét dần dần vào trong nhằm đảm bảo việc thi công, thu dọn đất đá được an toàn tuyệt đối.
Cũng theo ông Hưng, ngoài nền đất yếu, khó khăn ở giai đoạn này là hầm chật hẹp, thiếu ô xy, ánh sáng. Ngoài ra, do còn khoảng 150 m3 đất đá trong hầm nên không khí rất đặc, bụi dày đặc mỗi khi đào phá khiến công tác thi công không thể làm nhanh.
“Chúng tôi chỉ đào 50 cm đất là dừng lại cho dựng khung sắt hàn cố định và phun phủ bê tông ngay để đảm bảo an toàn. Các mũi khoan đã khô, neo được lớp đất đá bên trên vỏ hầm nên công tác khắc phục đang đảm bảo tiến độ mà Bộ GTVT đề ra. Dự kiến sẽ thông hầm vào ngày 22-4"- ông Hưng nói.
Hầm đường sắt qua đèo Cả bị sạt lở trưa 12-4 khiến đường sắt Bắc- Nam qua đèo Cả bị tê liệt hoàn toàn.