Chảy máu không cầm: Nghi nguồn nước nhiễm thuốc chuột

Kết quả xét nghiệm mẫu máu của hai bệnh nhân có thành phần của warfarin, một chất chống đông máu kháng vitamin K. Kết quả do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện.

Theo BS Mai, có thể khẳng định bệnh nhân chảy máu không cầm là do ngộ độc warfarin, còn từ nguồn ô nhiễm nào (thức ăn, nước uống, nguồn đất) thì hiện chưa xác định được. “Chúng tôi nghĩ nguy cơ cao nhất là từ nguồn nước uống. Qua kiểm tra thực tế khu vực Tân Yên, Bắc Giang, một số gia đình có sử dụng bả chuột. Chúng tôi đang chờ tiếp kết quả xét nghiệm mẫu nước, đất tại khu vực này” - BS Mai nói.

Tại buổi làm việc ở địa phương, các chuyên gia cũng đặt giả thiết các bệnh nhân bị ngộ độc super warfarin, một chất có thời gian phá hủy kéo dài, sức mạnh gấp nhiều lần warfarin. “Warfarin là thuốc kháng đông dành cho các bệnh nhân tim mạch, những người có nguy cơ huyết khối cao. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc loại thuốc này thì chỉ sau vài ba ngày là chất độc bị thải trừ hết. Trong khi các bệnh nhân nhập viện có biểu hiện lặp đi lặp lại, liều điều trị cũng cao hơn liều thông thường được khuyến cáo. Điều đó đồng nghĩa chỉ đến khi độc chất được thải trừ hết thì bệnh nhân mới có thể dừng điều trị” - một chuyên gia nói.

Theo thống kê, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp có biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu khó cầm. Tuy nhiên, đáng chú ý là có chín người cùng ở thị trấn Cao Thượng, Tân Yên, Bắc Giang bị mắc căn bệnh này, trong số đó có trẻ 13 tháng tuổi đang ăn dặm cũng mắc bệnh. 

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm