Chạy xe đạp lấn làn: Nguy hiểm!

(PLO)- Chạy xe đạp cũng cần tuân thủ quy định về an toàn giao thông. Tuyệt đối không vi phạm làm ảnh hưởng đến người khác và gây nguy hiểm cho bản thân...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) - Công an TP.HCM đã lập biên bản xử lý đối với nhiều người điều khiển xe đạp lưu thông vào làn đường dành cho ô tô. Với việc không đi đúng phần đường, đi vào khu vực cấm của người điều khiển xe đạp tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể gây tai nạn giao thông.

Trước đây, CSGT TP.HCM cũng đã xử phạt rất nhiều trường hợp tuy nhiên người dân không khắc phục và vẫn xuất hiện nhiều hành vi vi phạm.

z4758940807775_5ec1ed8ce1a09935ef1dec668aa1149f.jpg
CSGT lập biên bản đối với một người vi phạm do điều khiển xe đạp vào làn ô tô vào ngày 5-10. Ảnh: PC08

Với thực trạng này, một số bạn đọc cho rằng việc xe đạp đi lấn làn, đi vào khu vực cấm… là hành vi nguy hiểm, cần được nghiêm cấm và loại bỏ.

Dưới đây là ý kiến của bạn đọc:

Một số bạn đọc cho rằng việc chạy xe đạp để tập thể dục là tốt nhưng phải chạy đúng nơi, đúng chỗ. Không nên làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và đặc biệt là có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông.

Vài trường hợp thực tế của bạn đọc

- "Tập thể dục là tốt nhưng không phải tập kiểu vô tội vạ rồi gây ảnh hưởng cho người khác. Chúng ta chỉ nên chọn những nơi, những tuyến đường được phép chạy xe đạp. Không thể lấn làn xe hoặc đi vào khu vực cấm như vậy rất nguy hiểm. Bản thân tôi cũng là một người thường xuyên chạy xe đạp để tập thể dục nhưng tôi tuyệt đối không để bản thân vi phạm an toàn giao thông" - bạn đọc Trần Văn Chính.

- "Chạy xe trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, dù sáng hay chiều cũng gặp các tay đua xe đạp, họ chạy hiên ngang trong làn ô tô. Tôi chạy xe máy bên trong nhìn thấy là chỉ biết lắc đầu ngao ngán, không biết họ có sợ gặp tai nạn giao thông hay không. Có lần tôi thấy CSGT đóng chốt để kiểm tra xử phạt xe đạp thì một số người bất chấp nguy hiểm mang cả chiếc xe đạp qua dải phân cách để tránh CSGT" - bạn đọc Lý Thiên Hương.

- "Là một tài xế chạy grab, tôi thường xuyên gặp phải một hoặc nhiều người hay chạy xe đạp tập thể dục đi vào làn ô tô. Họ chạy ra làn 2, làn 3 của ô tô luôn, thấy vậy tôi né họ cho chắc, chứ lỡ có tai nạn xảy ra nhiều khi mình cũng phải chịu trách nhiệm" - bạn đọc Trung Kiên.

Tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn

Một số bạn đọc khác cho rằng việc xe đạp đi lấn đường, đi vào khu vực cấm không chỉ vi phạm pháp luật mà nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

- "Đây đâu phải là lần đầu những người chạy xe đạp bị xử phạt, cũng không riêng gì TP.HCM mà nhiều nơi khác cũng xảy ra trường hợp tương tự. Như vụ việc vào ngày 26-9 vừa qua tại Hà Nội, một nhóm khoảng 10 người đi xe đạp di chuyển vào làn cao tốc Võ Nguyên Giáp thì va chạm với một ô tô đi cùng chiều. Tôi đã rất bức xúc khi đọc được thông tin này trên báo" - bạn đọc Thanh Trúc.

- "Do mức xử phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, chỉ khoảng vài trăm nghìn. Trong khi những người cua-rơ này thường sẽ là những người có điều kiện kinh tế, vì vậy họ mức phạt đó không đủ để răn đe. Pháp luật cần xem lại và bổ sung mức phạt này cao hơn để họ không dám vi phạm" - bạn đọc Trần Linh.

- "Đây là xem thường cả tính mạng bản thân mình lẫn người khác cùng tham gia giao thông. CSGT cần xử lý mạnh tay hơn, đưa thông tin về nơi cư trú, về cơ quan đơn vị mà họ đang công tác, phạt lao động công ích thì mới mong giảm thiểu được vi phạm. Đặc biệt, các cơ quan công an cũng cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, nghiêm cấm vi phạm" - bạn đọc Nguyễn Thị Anh Thư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm