Chế định bồi thẩm đoàn tại các nước trên thế giới

(PLO)- Chế định bồi thẩm đoàn được sử dụng ở các nước áp dụng mô hình tố tụng tranh tụng như Mỹ, Anh, Úc...; Singapore, Ấn Độ và Malaysia là ba nước châu Á thuộc hệ thống thông luật nhưng đã từ bỏ chế định bồi thẩm đoàn vì lo ngại sự thiên vị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo trang Britannica, chế định bồi thẩm đoàn được sử dụng ở các nước áp dụng mô hình tố tụng tranh tụng, chủ yếu tồn tại trong hệ thống thông luật như Mỹ, Anh, Úc, Canada... Thẩm phán sẽ đóng vai trò trọng tài trong cuộc tranh luận giữa luật sư và công tố viên, hai bên sẽ trình bày các tình tiết vụ án trước bồi thẩm đoàn, bồi thẩm đoàn sẽ xem xét và cân nhắc các bằng chứng để tuyên có tội hay vô tội, thẩm phán chỉ quyết định luật áp dụng.

Tuỳ vào quy định của mỗi nước mà trong các vụ án sẽ có sự xuất hiện của bồi thẩm đoàn hay không. Tại Canada, hầu hết vụ án dân sự sẽ do thẩm phán xét xử mà không cần bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, nếu bị cáo dính cáo buộc về tội hình sự có thể bị phạt tù từ năm năm trở lên thì bị cáo có quyền được xét xử trước bồi thẩm đoàn. Trong khi đó, ở Mỹ, hầu hết vụ án đều có sự góp mặt của bồi thẩm đoàn.

Để chọn thành viên bồi thẩm đoàn ở Mỹ thì mỗi tòa án quận chọn ngẫu nhiên tên công dân từ danh sách cử tri đã đăng ký và là những người có bằng lái xe sống trong quận đó. Những người được chọn sẽ hoàn thành một bảng câu hỏi để giúp xác định xem họ có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ trong bồi thẩm đoàn hay không. Nếu đủ điều kiện, những người này sẽ được triệu tập để phục vụ cho bồi thẩm đoàn. Tuy nhiên, được triệu tập để phục vụ trong bồi thẩm đoàn không có nghĩa là vụ xét xử nào cũng được tham dự. Khi cần bồi thẩm đoàn cho một phiên tòa, nhóm bồi thẩm viên được lựa chọn nói trên sẽ được đưa đến phòng xử án. Sau đó, thẩm phán và các luật sư đặt câu hỏi cho các bồi thẩm viên này để xác định xem họ có phù hợp hay không.

Nếu thành viên của ban hội thẩm biết bất kỳ người nào liên quan đến vụ án, hoặc có thông tin về vụ án hoặc có thể có định kiến ​​mạnh mẽ về những người hoặc vấn đề liên quan đến vụ án, thường sẽ được thẩm phán loại trừ ra. Các luật sư cũng có thể loại trừ một số bồi thẩm viên nhất định mà không cần đưa ra lý do.

Tại châu Á, đa số các nước sử dụng mô hình tố tụng thẩm vấn thuộc hệ thống dân luật (như Thái Lan, Indonesia, Campuchia…) nên thường không có chế định bồi thẩm đoàn.

Singapore, Ấn Độ và Malaysia là ba nước châu Á thuộc hệ thống thông luật nhưng đã từ bỏ chế định bồi thẩm đoàn. Hầu hết các nước bỏ chế định này là vì lo ngại sự thiên vị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm