Cần điều chỉnh chế định hội thẩm nhân dân

(PLO)- Chánh án TAND Tối cao cho rằng chế định hội thẩm nhân dân bộc lộ những hạn chế; cần nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao, đã trình bày bài giảng “Một số vấn đề về cải cách tư pháp ở Việt Nam”.

Một trong những vấn đề theo ông Bình cần nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện đó là chế định hội thẩm nhân dân (HTND). Hiện nay, việc xét xử sơ thẩm của tòa án có hội thẩm tham gia theo quy định của luật tố tụng, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

Hội thẩm nhân dân trong thành phần HĐXX một phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hội thẩm nhân dân trong thành phần HĐXX một phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP.HCM.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Bộc lộ những hạn chế

Theo Chánh án TAND Tối cao, cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án là cơ chế cho phép người dân thực hiện quyền lực nhà nước và giám sát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, chế định HTND mà Việt Nam đang sử dụng có những hạn chế nhất định.

Trên thực tế, HTND chủ yếu là các điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán đã về hưu. Vì thế, họ vẫn chưa đại diện đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân. Song, nếu để những người hành nghề khác làm HTND thì sẽ xảy ra tình trạng phụ thuộc vào ý kiến của thẩm phán vì những người này chưa đủ kiến thức chuyên sâu để có thể giải quyết đúng đắn vụ án.

“Phải nói đến việc thẩm quyền giao cho HTND là vượt quá năng lực, dẫn đến một gánh nặng quá lớn” - ông Bình nói.

Ngoài ra, Chánh án TAND Tối cao cũng cho rằng các chính sách về chế tài và bảo vệ cho các HTND vẫn chưa được hoàn thiện.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng trong thực tiễn xét xử những năm vừa qua, việc tham gia hoạt động xét xử của hội thẩm còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự thể hiện sự độc lập của hội thẩm trong quá trình xét xử cũng như không thể hiện được đầy đủ quan điểm của đại bộ phận người dân thuộc các thành phần khác nhau trong xã hội.

Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM), quy định về trách nhiệm của hội thẩm còn mờ nhạt, nghĩa là có quy định nghĩa vụ của hội thẩm nhưng không quy định chế tài tương ứng. Ví dụ như trường hợp hội thẩm từ chối tham gia xét xử mà không có lý do chính đáng, dẫn đến tình trạng đến ngày mở phiên tòa hội thẩm vắng mặt đột xuất, làm cho phiên tòa phải trì hoãn nhiều lần do không có hội thẩm thay thế hoặc hội thẩm từ chối tham gia xét xử dù đã được mời nhiều lần. Mặt khác, hội thẩm gần như không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến chất lượng xét xử, nên đối với những trường hợp họ không hoàn thành nghĩa vụ được giao thì cũng không có chế tài xử lý cụ thể. Vì vậy, nên có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nghĩa vụ của HTND khi tham gia xét xử.

Trong bài phát biểu liên quan đến chế định HTND, bên cạnh việc đề cập đến những hạn chế của chế định này, Chánh án TAND Tối cao còn nhắc đến chế định bồi thẩm đoàn để các nhà làm luật nghiên cứu. Ông Bình cho rằng với cơ chế bồi thẩm đoàn, những bồi thẩm viên chỉ cần phải “xác định sự thật của vụ án” từ các bằng chứng tại phiên tòa chứ không phải thực hiện các nhiệm vụ như xác định tội danh, hình phạt…

Trên số báo ngày mai (2-12), Pháp Luật TP.HCM sẽ giới thiệu đến bạn đọc ý kiến phân tích của một số chuyên gia về chế định bồi thẩm đoàn và việc Việt Nam có nên tiếp cận, học hỏi hay áp dụng chế định này hay không.

Vướng mắc về quyền biểu quyết

TS Lê Nguyên Thanh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, HTND TAND TP.HCM, cho biết tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. HTND không phải là công chức, viên chức của tòa án mà được bầu hoặc cử với các tiêu chuẩn theo Điều 85 của Luật Tổ chức tòa án năm 2014 (là công dân Việt Nam, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có kiến thức pháp luật…).

HTND xét xử cùng với thẩm phán thể hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trong đó có quyền tư pháp. HTND được chọn trong nhân dân để tham gia xét xử, do đó HTND đánh giá về vụ án theo kiến thức, tư duy, tình cảm của đa số dân chúng.

Vì thế, TS Lê Nguyên Thanh cho rằng trong xét xử HTND ít bị “ám thị” bởi luật pháp và nghề nghiệp như các thẩm phán chuyên nghiệp, đặc biệt là trường hợp “buộc bị cáo phải biết” trong đánh giá lỗi.

“Với ý nghĩa đó, không cần phải cố gắng đào tạo, bồi dưỡng HTND có kiến thức pháp luật hay nghiệp vụ xét xử ngang với thẩm phán. Hiện nay, việc cố gắng bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho HTND chẳng khác nào đang cố gắng “thẩm phán hóa hội thẩm” và điều đó không bao giờ đạt được mục đích cũng như ý nghĩa ban đầu của việc xét xử có HTND tham gia” - TS Thanh nêu quan điểm.

Cũng theo TS Thanh, vấn đề vướng mắc hiện nay chủ yếu là pháp luật quy định hội thẩm tham gia xét xử và biểu quyết tất cả vấn đề của vụ án như thẩm phán (ví dụ trong xét xử hình sự có biểu quyết về tội phạm, hình phạt, bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng…). Giá trị biểu quyết của HTND ngang bằng với thẩm phán khi nghị án, trong khi số lượng HTND nhiều hơn số lượng thẩm phán trong HĐXX. Từ đó, gây áp lực lên thẩm phán nếu ý kiến biểu quyết không thống nhất mà ý kiến của hội thẩm chiếm đa số. Đây là vấn đề cần xem xét, nghiên cứu.

Vì sao cần hội thẩm trong thành phần HĐXX?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, trong phiên tòa sơ thẩm, tùy trường hợp theo luật định mà thành phần HĐXX sẽ gồm một thẩm phán và hai hội thẩm hoặc hai thẩm phán, ba hội thẩm.

Thẩm phán là một người được đào tạo chuyên nghiệp, mà dưới con mắt của một người chuyên nghiệp thì đôi khi nhìn nhận, đánh giá những vấn đề liên quan đến tội phạm và hình phạt quá mức tỉnh táo, thiếu đi cái nhìn của một người bình thường đối với sự việc. Đây là lúc HTND đưa ra những đánh giá xuất phát từ kiến thức pháp luật (tiêu chuẩn HTND cần có) cũng như những đồng cảm về nhân thân muôn hình vạn trạng của người phạm tội.

TS NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH

(Giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, HTND TAND TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm