TAND Tối cao nói về trang phục của Hội thẩm nhân dân

Mới đây, TAND Tối cao đã báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và các cơ quan đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân (HTND).

Theo TAND Tối cao, đa số các cơ quan, bộ ngành đều nhất trí cao với dự thảo. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung, ý kiến nên TAND Tối cao báo cáo giải trình.

Mẫu áo choàng cho hội thẩm nhân dân trong dự thảo

Về việc Chính phủ đề nghị thực hiện thí điểm trang phục xét xử là áo choàng cho HTND để bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam như việc thí điểm trang phục xét xử của thẩm phán trước đây.

TAND Tối cao cho rằng việc thay đổi phục xét xử bộ comple bằng áo choàng phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam. Qua kết quả tổng kết, đánh giá hiệu quả cải cách tư pháp tại tòa án thời gian qua, việc thẩm phán mặc áo choàng khi xét xử đã tạo được vị thế trong hoạt động tư pháp, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Với tư cách là người tiến hành tố tụng, thành viên của Hội đồng xét xử (HĐXX), ngang quyền khi đưa ra toàn bộ phán quyết thì việc thay thế trang phục xét xử áo choàng sẽ đồng bộ hơn và thể hiện sự tôn vinh của xã hội đối với HTND khi tham gia xét xử tại tòa án.

Do đó, TAND Tối cao đề nghị không cần thiết phải thí điểm nội dung này mà thi hành đồng bộ, thống nhất trên toàn hệ thống tòa án, để bảo đảm tư pháp không chậm trễ, nhanh chóng và kịp thời.

Có cần thiết phải thay đổi?

Quá trình góp ý, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc thêm sự cần thiết ban hành Nghị quyết về trang phục xét xử của HTND.

Bởi theo Bộ Tư pháp, trang phục hiện nay của HTND (gồm quần âu, áo sơ mi trắng, bộ comple) theo Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 đã bảo đảm tính chất trang nghiêm trong thực hiện quyền tư pháp, đặc biệt là thể hiện được tính chất "nhân dân" trong thiết kế trang phục (lịch sự, phổ thông, giản dị...) và cũng có sự phân biệt với trang phục của thẩm phán. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với bị cáo, người bị hại hoặc các đương sự khác tham gia phiên tòa khi họ luôn cảm nhận được tiếng nói, vai trò của nhân dân tại phiên xét xử.

Về vấn đề này, TAND Tối cao cho rằng, mặc dù trang phục của HTND đã được cấp theo quy định nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể:

- Thứ nhất, không đồng bộ, thống nhất trong tổ chức phiên tòa. Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm cùng ngồi trên bục cao nhất ở chính giữa của phòng xử án. Tuy cùng thực hiện nhiệm vụ xét xử và có vị trí ngồi ngang nhau nhưng thẩm phán lại mặc trang phục xét xử là áo choàng còn HTND lại mặc trang phục thường phục. Bên cạnh đó, thời gian qua, khi tham gia xét xử HTND mặc trang phục cũng chưa thống nhất (có phiên tòa chỉ mặc trang phục quần âu, áo sơ mi; có phiên tòa lại mặc trang phục bộ comple, áo sơ mi dài tay) đã tạo nên sự không thống nhất về trang phục giữa các thành viên trong HĐXX.

- Thứ hai, có sự phân biệt về vị trí, vai trò giữa thẩm phán và HTND không bảm đảm tính độc lập, ngang quyền khi tham gia xét xử. Theo quy định của các đạo luật tố tụng thì hội thẩm được xác định là người tiến hành tố tụng và có nhiệm vụ, quyền hạn ngang quyền với thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐXX. Như vậy, có thể nói cùng là người tiến hành tố tụng, vị trí, quyền hạn tố tụng như nhau lại có sự phân biệt.

- Thứ ba, nhận thức sai lệch về vị trí, vai trò của hội thẩm trong HĐXX chỉ mang tính hình thức. Trang phục cấp cho HTND khi tham gia xét xử cũng là trang phục làm việc hàng ngày của thẩm phán và hội thẩm. Điều này, vô hình chung sẽ dẫn đến nhận thức sai lệch về vị trí vai trò của hội thẩm trong HĐXX. Người tham dự phiên tòa có thể cho rằng việc hội thẩm tham gia vào hoạt động xét xử chỉ mang tính hình thức, dẫn tới nghi ngờ, thậm chí phủ định nguyên tắc xét xử có hội thẩm tham gia.

- Thứ tư, hạn chế tính trang nghiêm của phiên tòa.

Từ đó, TAND Tối cao cho rằng cần thiết phải thay đổi trang phục xét xử của HTND đế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và vẫn bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về chế định nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án, thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam.

Không phát sinh chi phí

Về chi phí, TAND Tối cao cho rằng việc lựa chọn phương án thay thế trang phục thu-đông là bộ comple bằng áo choàng xét xử sẽ không làm phát sinh kinh phí, cũng như tác động đến hệ thống pháp luật, không phát sinh thủ tục hành chính. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm