Hội thẩm nhân dân mặc áo choàng khi xét xử: Chưa thống nhất

Chiều 19-1, tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân (HTND).

Tại phiên họp, TAND Tối cao đã trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1214/2016 của Ủy ban Thường vụ QH về trang phục của thẩm phán, HTND; giấy chứng minh thẩm phán, giấy chứng minh hội thẩm. Theo đó, TAND Tối cao đề xuất sửa đổi, thay thế trang phục xét xử của HTND từ bộ comple thành áo choàng và bổ sung phù hiệu HTND.

Hạn chế tính tôn nghiêm, sự chuyên nghiệp của phiên tòa

Nghị quyết số 1214 quy định trang phục HTND gồm trang phục xuân - hè là quần âu, áo sơmi trắng; trang phục thu - đông là bộ comple, áo sơmi dài tay. Khi tham gia xét xử hoặc nghiên cứu hồ sơ tại tòa án, HTND sử dụng trang phục làm việc hằng ngày, không có trang phục xét xử riêng.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: quochoi.vn

TAND Tối cao cho rằng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm đều là thành viên HĐXX, ngồi ngang nhau trên bục cao nhất ở chính giữa của phòng xử án. Tuy nhiên, thẩm phán mặc trang phục xét xử là áo choàng, còn HTND lại mặc thường phục. Điều này tạo nên sự không đồng bộ, không thống nhất ngay giữa các thành viên HĐXX.

Cạnh đó theo quy định, từ năm 2003 trang phục khi xét xử của thẩm phán và HTND giống nhau, thể hiện vị trí ngang bằng trong thực thi công lý. Tuy nhiên, hiện nay Nghị quyết 1214 bổ sung trang phục xét xử là áo choàng chỉ dành riêng cho thẩm phán nhưng không quy định trang phục này cho hội thẩm.

TAND Tối cao cho rằng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thẩm phán và hội thẩm đều là thành viên HĐXX, khi xét xử hội thẩm ngang quyền với thẩm phán, mọi vấn đề trong vụ án đều được giải quyết bằng biểu quyết và quyết định theo đa số. Quy định về trang phục xét xử lại khác nhau vô hình trung tạo ra sự phân biệt về vị trí, vai trò ngay trong HĐXX. Ngoài ra, TAND Tối cao cũng cho rằng việc hội thẩm không có trang phục xét xử riêng làm hạn chế tính tôn nghiêm, sự chuyên nghiệp của phiên tòa…

Đề xuất sửa đổi một số quy định về trang phục của hội thẩm, TAND Tối cao nhận định việc này giúp thể hiện rõ hơn vị trí, vai trò của cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án của tòa án.

“Khi hội thẩm nhận thức đúng vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình sẽ tích cực tham gia hoạt động xét xử. Từ đó hạn chế được tình trạng hội thẩm từ chối tham gia xét xử hoặc xin thay đổi do bận công tác…” - tờ trình của TAND Tối cao nêu rõ.

Dù trang phục xét xử của hội thẩm chỉ thể hiện về hình thức của việc tổ chức phiên tòa nhưng TAND Tối cao cho rằng qua hình thức này còn thấy được sự quan tâm, đề cao, tôn vinh của cộng đồng xã hội, của Nhà nước và chính quyền đối với những người được tín nhiệm, bầu cử làm hội thẩm…

 

“Có nhất thiết phải áo choàng như của thẩm phán?”

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ghi nhận thời gian qua, ngành tòa án đã làm rất nhiều việc với mục đích chính quy hóa hoạt động của tòa án, góp phần cho cải cách tư pháp. “Nỗ lực của ngành và chánh án rất lớn” - ông Huệ nhận xét và cho rằng đề xuất trên của TAND Tối cao cũng không nằm ngoài mục tiêu nói trên.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH cho hay ông còn băn khoăn, chưa nghiêng về ý kiến nào. Các cơ quan của QH và ngay trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp cũng còn ý kiến khác nhau về vấn đề này. Văn bản nêu ý kiến của Chính phủ do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long ký tuy nhất trí với chủ trương của TAND Tối cao về việc trang bị trang phục cho HTND khi tham gia HĐXX nhưng lại đề nghị cơ quan chủ trì xem xét về tính nhân dân của hội thẩm, để từ đó quyết định trang phục, đồng thời tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế

“Tiếp cận theo hướng có đồng phục là đúng nhưng có nhất thiết phải là áo choàng như của thẩm phán không? HTND không phải là cán bộ tòa án, tuy ngang quyền với nhau nhưng chẳng ai nói ngang quyền thì phải ăn mặc như nhau. Chẳng lẽ ăn mặc khác nhau thì không ngang quyền?” - ông Huệ đặt vấn đề.

Nhiều ý kiến chưa thống nhất

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay trong ủy ban có hai loại ý kiến. Đa số ý kiến nhất trí với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung nêu trên của chánh án TAND Tối cao. “Việc cấp trang phục áo choàng cho HTND góp phần đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp” - bà Nga nói.

Những ý kiến ủng hộ cũng cho rằng khi xét xử, thẩm phán mặc áo choàng còn hội thẩm mặc trang phục theo mùa đã tạo ra sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong việc tổ chức phiên tòa về trang phục xét xử giữa các thành viên trong HĐXX cùng ngồi trên bục cao nhất chính giữa phiên tòa.

Đồng thời, việc này có thể tạo ra sự suy nghĩ, nhận thức chưa đúng đắn về vị trí, vai trò của HTND trong HĐXX, chưa kể không có sự phân biệt về trang phục làm việc và trang phục xét xử của hội thẩm.

Văn bản tham gia thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành dự thảo nghị quyết.

Trong khi đó, một số thành viên ủy ban không nhất trí việc cấp trang phục xét xử là áo choàng cho HTND. Ý kiến này cho rằng thẩm phán là cán bộ, công chức tòa án, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ chính là xét xử các loại vụ án.

Còn HTND được HĐND bầu ra để tham gia xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật. HTND đại diện nhân dân tham gia hoạt động xét xử của tòa án nên trang phục phải phù hợp và gần gũi với nhân dân, mang tính nhân dân.

Ý kiến này cũng cho rằng trang phục khác nhau của các thành viên HĐXX cũng thể hiện rõ vị trí, vai trò của những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa. Trang phục hiện nay của hội thẩm cơ bản phù hợp, bảo đảm nghiêm túc, phổ thông, lịch sự, đã thực hiện ổn định nhiều năm nay, không có vướng mắc đáng kể khi thực hiện nhiệm vụ xét xử.

Tham khảo kinh nghiệm một số nước, dù các nước theo mô hình tố tụng nào thì cũng chưa thấy quy định HTND, bồi thẩm đoàn/hội thẩm đoàn phải mặc áo choàng khi tham gia xét xử.

Văn bản tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thống nhất với ý kiến này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng do còn ý kiến khác nhau, Thường vụ QH thống nhất tiếp tục giao cho TAND Tối cao nghiên cứu thêm để trình lại vào một dịp khác.

   

“Khi oan sai, hội thẩm cũng phải bồi thường như thẩm phán”

Giải trình thêm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết 16.000 HTND đều rất tha thiết đề nghị xin thay đổi sang trang phục áo choàng. Bàn về tính nhân dân và vai trò của HTND, ông Bình cho rằng luật của chúng ta không giống bất cứ luật nào trên thế giới.

HĐXX có hai nhiệm vụ là xác định sự thật của vụ án và áp dụng pháp luật để đưa ra phán quyết. Ở các nước, khi tham gia xét xử, nhân dân chỉ được tham gia xác định sự thật của vụ án, không được tham gia áp dụng pháp luật.

“Nhưng chúng ta cho HTND vừa xác định sự thật của vụ án, vừa áp dụng pháp luật bằng biểu quyết tội gì và bao nhiêu năm. Chính vì vậy, trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khi oan sai, HTND cũng phải bồi thường như thẩm phán” - ông Bình nói. Ông cũng một lần nữa khẳng định địa vị trong phiên xét xử của hội thẩm khác với tất cả quốc gia nên rất khó để tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm