TS Alan Phan: “Trong cuộc hội thảo tại một trường ĐH, tôi đã ngạc nhiên khi thấy quá ít sinh viên Việt có hộ chiếu và đã từng xuất ngoại. Họ dành quá nhiều thời gian ngồi quán cà phê, quán nhậu “chém gió” lảm nhảm chứ không muốn làm… ta ba lô để đi tìm kiến thức và kinh nghiệm từ thế giới bên ngoài. Giới trẻ Việt Nam đa phần hiện nay lười làm việc, lười suy nghĩ, lười thay đổi...”.
. Phóng viên: Nếu như theo ông nhận định thì giới trẻ Việt Nam đang dậm chân tại chỗ chứ không phát triển và nên khuyến khích việc đi du lịch, thưa ông?
+ TS Alan Phan: 20 năm trước, tại các nước Âu, Mỹ tôi khó tìm ra một du khách Trung Quốc, Việt Nam hay Liên Xô. Hộ chiếu để xuất ngoại là một ân huệ và quyền lợi của “con ông cháu cha”. Bây giờ thì khắp thế giới đâu cũng có dấu ấn của các công dân của những nước này. Tuy nhiên, phần lớn họ thuộc hai loại sau: Thứ nhất vẫn là các quý tử con ông cháu cha hay tiêu xài hàng hiệu và khoe khoang thật “sốc” với dân địa phương; thứ hai là các ông bà già chắt chiu tiền tiết kiệm để đi những tour giá rẻ.
Tôi thấy người Việt, ngoài hai thành phần vừa kể, rất ít du khách là những… ta ba lô muốn đi tìm kiến thức và kinh nghiệm về thế giới bên ngoài. Tôi chắc chắn là chúng hào hứng và quý giá hơn các lớp học lý thuyết buồn tẻ.
Thiếu ước muốn và can đảm
. Muốn xuất ngoại phải có tiền và phải biết tiếng Anh mà sinh viên Việt Nam không phải ai cũng giàu, thưa ông?
+ Tôi tin là hơn nửa số sinh viên có mặt hôm hội thảo đó chắc có nhiều tiền hơn phần lớn các Tây ba lô mà chúng ta gặp ở Sài Gòn. Tiền tiêu cho những giờ “chém gió” tại các quán cà phê và các quán nhậu có thể nhiều hơn tiền tiêu mỗi ngày tại Thái Lan hay Myanmar. Vé máy bay đi nhiều nơi ở ASEAN rẻ hơn vé máy bay đi Hà Nội hay Đà Nẵng. Nếu họ chịu khó tìm tòi, học hỏi thì việc “chém gió phương xa” này sẽ khuếch trương được kiến thức của họ. Còn ngồi một chỗ “chém gió” về những cái mình không hiểu biết mà nói bậy thậm chí còn hậu quả trái ngược là nó giữ con người ở lại tầm thấp.
Trong buổi chiều tà, một anh chàng ta ba lô say mê ngắm nhìn cuộc sống ở Dubar Square, Kathmandu, Nepal.
Còn tiếng Anh thì chỉ cần học sáu tháng là có thể nói chuyện được. Nó cũng chỉ có những mẫu câu và một ít vốn từ là có thể nói chuyện. Còn phát âm, cứ nói nhiều thì người ta cũng hiểu được mình mà thôi. Về tiền bạc, ngay cả khi không có tiền thì một chân làm bếp hay dọn dẹp trên một con tàu cũng có thể cho bạn một chuyến đi miễn phí qua Âu, Úc hay Mỹ. Chỉ cần biết tìm tòi trên mạng thì sẽ tìm ra cả trăm cách thức để làm… ta ba lô.
. Theo ông, giới trẻ ở Việt Nam khác với các nước trên thế giới như thế nào?
+ Khác nhau hoàn toàn, không chỉ trong vấn đề du lịch mà nằm ở chỗ năng động, yêu thích tìm tòi. Họ luôn tìm kiếm những cái gì lạ, hay, mới để học hỏi. Còn cái học hỏi này có áp dụng được hay không là chuyện khác. Điều thiếu sót lớn nhất của giới trẻ Việt hiện nay là “ước muốn” và “can đảm”.
Học trò có thể giỏi hơn giáo sư
. Như ông nói, giới trẻ ỷ lại, chỉ lặp đi lặp lại những thứ xung quanh mình như con vẹt… và vấn đề này nằm trong giáo dục từ gia đình đến trường học, thưa ông?
+ Tất nhiên rồi, giáo dục có rất nhiều cách nhưng tôi muốn nói là tạo ra những đứa trẻ có tinh thần tự lập không chỉ về tiền bạc, kiến thức, trí tuệ, đạo đức… mà cho nó nền giáo dục toàn hảo. Chứ không phải chỉ là đến lớp mà thầy nói sao trò lặp lại. Các trường học ở Mỹ họ luôn khuyến khích học trò tự tìm tòi để hỏi lại, chất vấn giáo sư. Họ luôn luôn nói rằng chưa chắc giáo sư giỏi hơn học trò. Nếu học trò nghiên cứu kỹ một đề tài chuyên sâu thì họ cũng có khả năng sẽ giỏi hơn thầy. Ở Việt Nam, chúng ta phải chấp nhận ông thầy là đúng.
. Nhưng đấy là Mỹ, một số nước châu Âu thôi, còn các nước lân cận Việt Nam chắc cũng như ta, thưa ông?
+ Tôi không nghĩ vậy. Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên từ Singapore, Malaysia, Philippines ngay từ nhỏ đã có tư duy độc lập, ý thức không ỷ lại vào người khác. Ở những nước này cũng có nền học vấn rất cởi mở, khuyến khích sự sáng tạo, đột phá…
. Vậy liệu có nước nào nhờ sự năng động, cởi mở của giới trẻ mà trở nên phát triển, thưa ông?
+ Hàn Quốc tiến triển rất mạnh như ngày hôm nay là do sự cởi mở. Đã có thời Hàn Quốc còn độc tài thì nước họ như trại quân đội. Nhưng sau đó sự cởi mở, tiến bộ đã thúc đẩy nước này phát triển khá nhanh. Hồi đó Hàn Quốc chỉ có hơn 20 triệu người nhưng số sinh viên đi du học ở Mỹ là đông nhất.
Hay như Thái Lan, giới trẻ ở nước này dường như khác hoàn toàn với Việt Nam. Họ tò mò hơn, tìm hiểu nhiều hơn, ĐH “mở” hơn… Đề tài khoa học tại các trường đều được khuyến khích tranh luận, kể cả các vấn đề chính trị-xã hội. Dường như những buổi tranh luận để đưa ra góc nhìn khác nhau hoàn toàn thiếu vắng ở các trường ĐH Việt Nam.
. Nghĩa là chính sự thiếu cởi mở và không cởi bỏ tư duy giáo dục cũ đã kìm hãm sự phát triển?
+ Đúng vậy, người ta sợ, thành ra đây là rào cản lớn nhất cho trí tuệ Việt Nam phát triển. Nên giới trẻ khi lớn lên học chỉ lặp lại kiến thức cũ mèm. Dù các kiến thức đó vẫn hiện diện trên mạng và có nhiều cách để tìm tòi.
Không dám bước ra cái vỏ của mình
. Không thể đổ lỗi hoàn toàn do nhà trường giáo dục, còn việc giáo dục là từ gia đình, thưa ông?
+ Ở mỗi con người, trường học và gia đình có ảnh hưởng nhất định đến đời sống và suy nghĩ của cá nhân đó. Con cái ỷ lại cha mẹ, vợ ỷ vào chồng, chồng ỷ vào bạn bè… Mình phải thay đổi lối tư duy ỷ lại gia đình, trường học. Nếu cầm tiêu những đồng tiền mình kiếm ra thì mình sẽ trân trọng hơn. Kiến thức của mình tìm được nó sâu xa hơn ông thầy truyền lại… tất cả cái đó là hành động tạo ra sự tự lập, sau này sẽ giúp họ rất nhiều trong vấn đề công ăn việc làm, sống với gia đình, xã hội… Cái chính vẫn là tự mình.
. Nhưng thưa ông, phải chờ học từ cấp 1 lên cấp 3, rồi tốt nghiệp ĐH mới xin việc. Còn việc làm thêm đa số chỉ là của mấy sinh viên nghèo tỉnh lẻ và cũng chỉ là công việc phụ không ổn định?
+ Vấn đề không phải là việc làm thêm mà ý thức tự lập, trách nhiệm của bản thân và cộng đồng của giới trẻ. Họ không sáng tạo trong tư duy, lười biếng và ỷ lại. Ở các nước châu Âu, tất cả trẻ em đều được đến trường và trong phạm vi từ khoảng 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều chẳng hạn là giờ học thì nghiễm nhiên là trẻ con đi học. Còn lại thời gian khác thì cha mẹ đều khuyến khích con mình làm việc để biết giá trị của lao động.
Từ những gia đình giàu có, trung lưu hay hạ lưu, con cái họ đều biết kiếm tiền từ thuở bé. Khi còn bé ra quét vườn, giặt đồ giúp mẹ thì được mẹ cho vài đồng. Chúng dùng chính số tiền này để mua những món đồ mình thích chứ không phải muốn gì được nấy. Sau này nhiều đứa trẻ không muốn nhờ cha mẹ thì chúng lại xin những công việc khác để có tiền tiêu vặt. Chúng ta vẫn thấy những em học sinh đạp xe đạp vào sáng sớm giao báo dài hạn cho những gia đình khu vực lân cận. Có nhiều đứa trẻ thứ Bảy, Chủ nhật ra công viên bày ra một lô nước chanh bán vài ba chục xu cho người nào khát. Chính vì thế giới trẻ của Mỹ luôn năng động và sáng tạo ngay từ niên thiếu. Còn tư duy của giới trẻ Việt Nam không dám bước ra khỏi cái hộp của mình.
. Nhưng nhiều gia đình khá giả ở Việt Nam không muốn con mình phải nhọc công vất vả, thưa ông?
+ Đó là cách giáo dục sai. Việt Nam mắc bệnh sĩ diện rất cao, không gia đình giàu có nào lại chịu để con đi quét rác. Còn ở Mỹ, người đi hốt rác là đi hốt rác, có gì mà xấu hổ. Thậm chí ở Mỹ có những nghề kiếm ra nhiều tiền không kém gì các sinh viên tốt nghiệp ĐH như nghề thợ sửa ống nước.
. Xin cảm ơn ông.
Bắt đầu với 2 USD/giờ với chân phục vụ TS Alan Phan kể, khi còn nhỏ, dù sống ở Việt Nam nhưng ông cũng đã đi đến rất nhiều nơi. Đến năm 17 tuổi, ông du học Mỹ với gói học bổng bao ăn ở và học phí mỗi tháng là 180 USD. Để có tiền tiêu vặt, TS Alan Phan đi làm bồi bàn, thời những năm 1963-1964 họ trả là 2 USD/giờ. Như vậy mỗi tháng ông kiếm được 80 USD. Thường cứ ba tháng có một kỳ nghỉ hè 10 ngày thì ông gom số tiền này đi du lịch. TS Alan Phan kể, có lần ông hàng xóm kêu vườn cây tốt quá nhờ Alan cắt rồi trả công 10 USD. Nói chung ai kêu gì làm cái đó. “Đến năm thứ ba, tôi được một giáo sư trong trường ĐH thuê làm việc trong trường. Công việc là lau dụng cụ, sửa soạn bàn học cho sinh viên. Công việc này cũng dính tới chút chuyên môn nên ông ấy trả 3-3,5 USD/giờ. Nên một tháng lại nhiều hơn nhưng cũng vẫn là làm việc tay chân” - TS Alan Phan kể. |
YÊN TRANG thực hiện