Quả thật là sướng khi trải nghiệm biết bao điều thú vị, thu nhận bao nhiêu hiểu biết từ những chuyến đi mà mỗi lần nhắc lại tôi vẫn không kiềm được niềm hào hứng. Những chuyến đi bụi với những kinh nghiệm quý giá làm cuộc đời ta có vô vàn thú vị, đủ thứ sắc màu rồi nhận ra rằng mình quá bé nhỏ, thiếu hiểu biết, đầy định kiến trước thế giới bao la.
Nhưng tôi cũng tin chắc không ít người, trong đó có bạn bè tôi sẽ không đời nào chịu vi vu kiểu của tôi. Lý do phổ biến nhất là… không có tiền. Thật ra đi bụi không tốn kém như mọi người nghĩ. Một chuyến đi trekking ở Nepal và Ấn Độ hoành tráng 18 ngày nếu tiết kiệm ở mức bình thường thì chỉ chừng 1.000-1.200 USD, đã bao gồm cả vé máy bay cho năm chặng. Con số này có nhiều không? Tôi không nghĩ mình sẽ đủ tiền để đi hằng tháng với chi phí đó nhưng một năm một lần thì hoàn toàn có thể và chắc là nhiều người cũng thế. Mà đâu nhất thiết phải đi xa (kẻo mọi người lại có lý do là nguy hiểm), xung quanh chúng ta, Campuchia, Lào hay Thái Lan... rất bình yên mà cũng quá tuyệt vời, chi phí lại thấp. So với một chiếc xe xịn, điện thoại đời mới hoặc thậm chí chỉ là những bộ áo quần thời trang hay những bữa nhậu, bữa tiệc ở nhà hàng thì chi phí này còn thấp hơn nhiều! Quan trọng là mình chọn điều gì mà thôi.
Bạn có muốn mình là nhân vật trong tấm ảnh này? Bình yên đạp xe ngắm hoàng hôn ở Lumbini, Nepal.
Những người không phải bận tâm về tiền bạc thì có những lý do còn to lớn hơn, đó là… không rành ngoại ngữ. Nỗi lo ngại này cũng có lý nhưng thật ra không đến nỗi quá nghiêm trọng. Không ai cười hay bắt bẻ khi du khách phát âm không chuẩn ngữ pháp hay dùng ngôn ngữ tay chân để diễn đạt ý mình cả. Quan trọng nhất vẫn là nụ cười và thái độ thân thiện, chân tình của họ. Hơn nữa, phải cọ xát và bị đặt vào tình huống phải nói thì đó chính là cơ hội tốt nhất để rèn luyện ngoại ngữ. Một số không ít thì tặc lưỡi: “Thích lắm mà không đủ sức khỏe, khó ăn món lạ, không chịu được thiếu thốn”. Thậm chí có người còn nói rằng không sống nổi nếu thiếu Internet, Facebook, tivi. Không tin bạn hỏi thử xem, có rất nhiều người xung quanh chúng ta, tuổi chưa đến 40 đã tự nghĩ mình già. Tôi thật sự ngạc nhiên về điều này, tự bản thân tuyên cho mình cái án “đã già” mà không cần âm thầm thời gian “kết án”. Không biết nếu thấy những ông già thật sự về số tuổi, những phụ nữ trung niên ở châu Âu và cả châu Á, chinh phục những dãy núi Hymalaya thì họ sẽ nghĩ sao? Tôi chắc chắn xứ sở họ giàu có hơn chúng ta rất nhiều, đã quen sống tiện nghi hơn chúng ta rất lâu. Thế mà họ vẫn chịu được khó khăn khi tự nguyện đến xứ khác lạc hậu thấp kém đó thôi. Thậm chí, thay vì lúc nào cũng mua nước đóng chai, họ còn sẵn sàng uống nước từ vòi khi leo núi; thay vì mang một đống hành lý về giao tiệm giặt ủi, đi đến đâu họ tự giặt giũ đến đó.
Ngạc nhiên nhất là những người hội đủ điều kiện “có tiền, có ngoại ngữ, có sức khỏe, có thể thích nghi với hoàn cảnh” mà cũng có lý do. Họ nói rằng sợ nỗi cô đơn. Nhiều người bạn đã hỏi tôi vì sao có những chuyến đi không có bạn bè thân, gia đình mà tôi có thể vui? Họ nói: “Anh, chị, em tôi… không đi như thế được. Phải có bạn đồng hành, có người chăm sóc và chia sẻ niềm vui nỗi buồn thì chuyến đi mới thấy có ý nghĩa”. Một anh bạn của tôi từng đổi vé máy bay về sớm khi đi công tác châu Âu chỉ vì đứng giữa Paris nhưng anh không chút cảm giác khi chỉ có một mình. Thỉnh thoảng một mình trong một thời gian không có nghĩa là vô tâm, ích kỷ hay bất cần ai. Ngược lại, nhờ những khoảng lặng tự do yên tĩnh mà người ta mới có thể nhận ra một cách rõ ràng sâu sắc điều gì quan trọng với cuộc đời mình, ai là người mình thật sự yêu thương. Đi xa là để trở về đấy thôi!
CẨM TÚ