Chen nhau sang Lào, Thái làm thuê

Ồ ạt xuất ngoại

Ngày 26-2, gần 1.000 người đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An làm hộ chiếu. Lượng người quá đông, bộ phận tiếp nhận hồ sơ phải làm việc đến gần nửa đêm. Chị Nguyễn Thị Thúy Liên (Giang Sơn, Đô Lương) nói: “Bạn em sang Lào bán hàng vừa về ăn tết, chúng bảo em sang đó kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Ở quê kiếm không ra việc”.

Anh Nguyễn Duy (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thay vì vào Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) làm việc như mọi năm thì nay theo bạn sang Lào: “Nếu vào Nam làm công nhân, lương chỉ 3 triệu đồng một tháng, còn sang Lào làm thợ xây cho chủ người Việt lĩnh mỗi tháng 4 triệu đồng, còn được nuôi ăn, ở”.

Từ mùng 8 tết đã có bốn chuyến xe khách về tận xã Quỳnh Liên và xã Quỳnh Xuân chở thanh niên trong xã sang Lào và Thái Lan làm thợ. Chưa kể, nhiều lao động có giấy thông hành hoặc hộ chiếu tự đón xe đi qua cửa khẩu quốc tế Nậm Căn (Nghệ An) và cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đến Lào. Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 10 chuyến xe đò chạy Vinh-Viêng Chăn (Lào). Nhiều người nói sang Lào gần hơn và giá xe đò đi về rẻ hơn vào các tỉnh phía Nam. Từ Hà Tĩnh sang Lào và Thái Lan chỉ mất một ngày, nhanh hơn vào Nam. Hiện vé xe từ TP Vinh đi Viêng Chăn chỉ có 250.000 đồng/người.

Chen nhau sang Lào, Thái làm thuê ảnh 1

Người lao động xếp hàng chen chúc làm hộ chiếu để sang Lào, Thái Lan làm việc. Ảnh: ĐẮC LAM

Có việc hoặc bỏ mạng xứ người

Anh Đinh Công Thu (Diễn Tân, Diễn Châu, Nghệ An) ba năm nay từ bỏ nghề nông để qua Lào bán cá. Anh Thu cho biết Lào thường thiếu cá đông tươi nên ướp đá cá mang sang bán lời gấp đôi so với trong nước.

Anh Nguyễn Văn Chung (Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã năm năm đưa quần áo sang Lào bán rong, mỗi tháng kiếm lời khoảng 5-7 triệu đồng. Còn anh Nguyễn Huy Hòa (Nam Xuân, Nam Đàn, Nghệ An) tốt nghiệp ĐH Tài chính nhưng từ bỏ công việc ở Hà Nội để sang Lào làm kế toán. Ba năm ở Lào anh gửi tiền về cho cha mẹ xây nhà và mua đất ở TP Vinh. Anh Hòa cho biết đang học lái xe để mua xe hơi, thu nhập ở Lào cũng tùy theo trình độ bằng cấp, người lao động làm thợ thì tùy vào tay nghề.

Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Thông, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Nghệ An thì người lao động qua Lào bằng giấy thông hành được phép ở lại bảy ngày, còn một tháng phải có hộ chiếu. Hết hạn cư trú thì lao động phải đến công an địa phương nước Lào đăng ký gia hạn tạm trú. Đối với những lao động qua Thái Lan thì bắt buộc phải có hộ chiếu, sau mỗi tháng phải đến công an địa phương xin gia hạn để tiếp tục ở lại sinh sống, lao động.

Năm năm nay, xã Diễn Tháp và xã Diễn Hồng (Diễn Châu, Nghệ An) phất lên nhờ mỗi năm có hơn 2.000 người dân sang Lào làm thuê và buôn đồng nát. Nhưng mỗi xã có ít nhất hai người bị tai nạn chết ở Lào.

Tháng 5-2009, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp công an Lào giải cứu, đưa về nước Nguyễn Thị Thu Thảo (16 tuổi) và Nguyễn Thị Trang (17 tuổi) bị một người đưa sang Lào bắt làm việc quần quật từ 6 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, hai em cùng bảy lao động người Việt khác bị quản lý nghiêm ngặt, nhiều khi bị đánh hộc máu mồm.

Tháng 9-2009, bà Nguyễn Thị Thủy và bà Nguyễn Thị Giáo (cùng trú Sơn Giang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) qua Lào bán hàng tạp hóa, bị sát hại.

Một cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh cho biết trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 phụ nữ và trẻ em sang Lào kiếm việc làm. Tại xã Mỹ Lộc và xã Cẩm Vịnh được ví “làng đàn ông ở nhà, đàn bà đi Thái”. Phụ nữ hai xã này thường sang Lào hoặc Thái Lan bán hàng, thuê, phục vụ các nhà hàng hoặc nấu ăn cho các công trường xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, cho biết chưa thể thống kê bao nhiêu lao động trong tỉnh sang Lào, Thái Lan làm việc. Bởi họ làm việc theo mùa vụ, khó quản lý. Nhu cầu lao động ở Lào rất lớn, người lao động nếu qua Lào nên liên hệ các công ty trong nước hoặc chi nhánh ở Lào để được bảo vệ các quyền lợi hợp pháp.

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm