Đầu giờ chiều ngày 24-2, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,3 – 67 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với chiều qua. Tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc Mi Hồng lại giảm 50.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều, neo giá mua vào – bán ra ở mức 66,35 – 66,85 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận giữ nguyên giá mua ở mức 66,2 triệu đồng/lượng nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán, xuống 66,95 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, sau phiên giảm sốc giá mua vàng miếng SJC tới 700.000 đồng/lượng vào ngày hôm qua, sang chiều nay ngân hàng Eximbank lại tăng giá vàng miếng SJC thêm 250.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với cuối ngày hôm qua, hiện ở mức 66,5 – 67 triệu đồng/lượng.
Dù giá vàng miếng tăng giảm mỗi nơi một khác song điểm chung là biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán đều được các doanh nghiệp kinh doanh vàng thu hẹp đáng kể, hiện ở mức 500.000 – 700.000 đồng/lượng.
Ảnh minh họa |
Thậm chí, trên thị trường giao dịch vàng tự do, nhiều cửa hàng chỉ neo biên độ này ở quanh ngưỡng 200.000 đồng/lượng để thu hút khách, mức giá mua vào – bán ra chỉ có 66,57 – 66,77 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá kim loại quý đang giao dịch quanh mức 1.825 USD/Ounce, giảm khoảng 6 USD/ounce so với giá lúc mở cửa phiên hôm qua. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại tương đương 52,8 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, giá vàng miếng SJC hiện đang cao hơn giá thế giới khoảng 14 triệu mỗi lượng, chưa tính thuế và các khoản phí.
Ông Mike McGlone, chiến lược gia cấp cao của Bloomberg Intelligence cho biết: "Giá vàng thế giới có thể sớm phục hồi đà tăng nhưng chất xúc tác cần thiết nhất để kích hoạt giá kim loại quý phục hồi đó là suy thoái kinh tế ở Mỹ. Nếu điều này xảy ra, nó có thể đẩy giá vàng lên trên 2.000 USD/ounce."