Khi nhân viên dọn dẹp vệ sinh Hidemitsu Ohshima bước vào một căn hộ nhỏ ở Tokyo thì căn phòng tràn ngập mùi xác chết đang phân hủy với một người đàn ông đã qua đời khoảng ba tuần.
Nạn nhân khoảng 50 tuổi, đã qua đời trong một căn phòng nhỏ tại thành phố có hàng chục triệu người sinh sống, tuy nhiên không một ai phát hiện. Ông là nạn nhân mới nhất của "Kodokushi" hay còn gọi là “chết trong cô độc” - một xu hướng đang tăng cao ở Nhật Bản.
Chết trong cô độc
Kodokushi hiện là một vấn đề ngày càng gia tăng ở Nhật Bản, nơi 27,7% dân số là người già trên 65 tuổi và ngày càng có nhiều người ở độ tuổi trung niên từ bỏ việc chọn bạn đời, thay vào đó họ chọn cuộc sống độc thân.
Tấm nệm với những vết đen là thi thể của một phụ nữ qua đời một mình trong căn hộ ở Yokohama, sau hai tuần mới được phát hiện. Ảnh: AFP
Các chuyên gia cho rằng các yếu tố văn hóa, xã hội và nhân khẩu đặc biệt của Nhật Bản đã làm phức tạp thêm vấn đề này.
Hiện chưa có con số chính thức nào về số người già chết đơn độc, không được ai phát hiện ở Nhật Bản. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính mỗi năm có khoảng 30.000 trường hợp nghi là "Kodokushi".
Ông Yoshinori Ishimi, người quản lý công ty chuyên dọn dẹp nhà cửa của những người đã qua đời, cho biết con số thực tế có thể cao “gấp hai hay ba lần”.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản hiện đại đã có những thay đổi sâu rộng về văn hóa và kinh tế, tuy nhiên các nhà nhân khẩu học cho rằng mạng lưới an sinh xã hội vẫn không thể bắt kịp tốc độ phát triển này - tạo ra gánh nặng cho các gia đình phải chăm sóc cho người cao tuổi.
Ông Katsuhiko Fujimori, một chuyên gia trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, cho biết: “Tại Nhật Bản, gia đình từ lâu đã là nền tảng vững chắc của mọi hoạt động hỗ trợ xã hội. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi với số người sống độc thân ngày càng tăng và quy mô gia đình ngày càng nhỏ đi”.
Trong ba thập niên qua, tỉ lệ người độc thân ở Nhật Bản đã tăng gấp đôi, chiếm 14,5% tổng dân số. Trong đó đa số là đàn ông ở độ tuổi 50 và phụ nữ từ 80 tuổi trở lên.
Đồng thời tỉ lệ kết hôn cũng giảm, các chuyên gia cho rằng nhiều nam giới lo sợ công việc của họ còn bấp bênh, không thể bắt đầu xây dựng gia đình. Nhiều phụ nữ cũng gia nhập lực lượng lao động, họ trở nên tự chủ và không còn cần dựa dẫm vào người chồng.
Trong bốn người đàn ông ở độ tuổi 50 ở Nhật thì sẽ có một người chưa kết hôn. Đến năm 2030, con số này ước tính sẽ tăng từ một lên đến ba.
Không người thân, chẳng láng giềng
Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi văn hóa Nhật Bản từ lâu đời luôn hướng tới gia đình thay vì hàng xóm trong những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.
Theo ông Fujimori, cũng vì phép lịch sự, người già ở Nhật thường e ngại sẽ làm phiền hàng xóm khi nhờ giúp đỡ dù là chuyện nhỏ nhặt nhất, điều này gây ra tình trạng thiếu giao tiếp, tương tác dẫn đến cô lập.
Ông Ohshima cùng đồng nghiệp đang dọn dẹp nhà cửa của người đàn ông đã qua đời. Ảnh: SCMP
Theo một nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản, khoảng 15% người già sống một mình được cho là một tuần chỉ nói chuyện một lần. Trong khi đó con số này ở Thụy Điển là 5%, ở Mỹ là 6% và ở Đức là 8%.
Và các gia đình ngày càng sống xa nhau hoặc không có khả năng giúp đỡ những người thân lớn tuổi của mình khi họ gặp khó khăn về kinh tế.
Ông Fujimori ủng hộ việc tăng thuế để tăng cường công tác chăm sóc cho người cao tuổi và giúp đỡ tài chính hỗ trợ chăm sóc trẻ em, đồng thời cho những người lớn tuổi được nghỉ ngơi thay vì phải tiếp tục lao động.
"Nếu gia đình không thể thực hiện vai trò của mình thì xã hội phải xây dựng một cơ cấu để đáp ứng nhu cầu đó. Nếu không hành động gì, chúng ta sẽ lại tiếp tục thấy càng có nhiều cái chết trong cô độc” - ông Fujimori nói.
Ngoài nỗi đau của các gia đình khi phát hiện người thân của mình qua đời vài ngày mà không ai phát hiện thì vấn đề này còn có xu hướng khiến các căn hộ giảm giá trầm trọng.
Giám đốc công ty dọn dẹp nhà cửa - ông Ishimi cho biết Nhật Bản cần giáo dục những người trẻ nhận thức về vấn đề này. "Tại sao một người lại muốn ra đi trong cô độc? Toàn thể xã hội cần phải cân nhắc về vấn đề này" - ông nói.
Trong khi đó, trở lại căn hộ nhỏ ở Tokyo, ông Ohshima cùng đồng nghiệp đang cố gắng ngăn không cho mùi thi thể lan ra khu phố đông người sinh sống xung quanh.
Căn phòng đầy những dấu hiệu cho thấy chủ nhân của nó là một người sống tiết kiệm, sạch sẽ, yêu âm nhạc và phim ảnh. Ông giữ một lượng lớn đĩa CD và DVD, tuy nhiên lại không có gì khác nữa, không hình ảnh, không thư từ.
Hầu hết các đồ vật đều bị vứt đi, tuy nhiên ông Ohshima và hai đồng nghiệp vẫn tìm kỹ lại trong đồ dùng cá nhân của chủ nhân căn phòng xem có gì giá trị phòng khi người thân muốn xem ông ấy để lại những gì.
"Hiện cảnh sát đang tìm kiếm người thân của ông ấy. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì" - ông Ohshima cho biết.