'Chỉ cần có năng lực và đam mê, cơ hội sẽ luôn mở ra'

(PLO)- Điều kiện làm việc, mức thu nhập, ưu đãi trong khu vực công đã dần tiệm cận với khu vực tư và dù ở môi trường nào thì mỗi cá nhân đều có thể tạo ra những giá trị riêng của chính mình.

Chị Nguyễn Thị Hải Hà, chuyên viên chính Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ TP.HCM, là một trong những người trưởng thành từ các chính sách thu hút người tài của TP.HCM năm 2009. Hiện chị Hà cũng tham gia và được hưởng các chính sách từ Nghị quyết 25/2023 của HĐND TP.

Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc hiện tại, chị Hà cho biết tháng 10-2009, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chị được bạn bè giới thiệu nên đã nộp hồ sơ và được Sở Nội vụ TP.HCM hẹn phỏng vấn, bố trí công việc.

Tám năm sau, vào tháng 9-2016, chị Hà tiếp tục nộp hồ sơ xin đi học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TP.HCM và nhận bằng thạc sĩ quản lý công vào năm 2019. “Giờ đây, khi nhìn lại một chặng đường đã đi, tôi rất cảm ơn TP.HCM về mọi thứ. TP này không hề phân biệt bạn từ nơi nào đến, xuất phát của bạn ra sao. Chỉ cần bạn có năng lực và đam mê, cơ hội sẽ vẫn luôn có” - chị Hà nói.

Chị Nguyễn Thị Hải Hà, chuyên viên chính Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ TP.HCM.

Dù ở đâu, mỗi người sẽ đều cống hiến hết mình

. Phóng viên: Cũng có người từng tham gia các chương trình thu hút người tài nhưng sau đó họ vẫn rời đi. Chị có suy nghĩ gì?

+ Chị Nguyễn Thị Hải Hà: Hiện nay có nhiều ngành học với vô vàn sự lựa chọn trong công việc đối với một sinh viên. Tâm thế của các bạn trẻ là luôn muốn được thử nghiệm trong những môi trường có khả năng phát triển cá nhân nhiều hơn, dĩ nhiên cũng với mức lương cao hơn.

Có lẽ vì vậy mà sự cạnh tranh giữa khu vực công với khu vực tư ngày càng áp lực nhưng có cạnh tranh mới có phát triển. Tôi nghĩ đó là điều bình thường.

. Vậy mức lương thấp có phải là nguyên nhân khiến khu vực công khó thu hút người tài năng so với khu vực tư không?

+ Tôi nghĩ cần thẳng thắn với nhau rằng dù khối công hay tư thì ai cũng mong muốn khi đi làm sẽ có một nguồn thu nhập đảm bảo. Nhưng tôi cho rằng mức lương ở khu vực công hiện nay cũng đang dần tiệm cận với khu vực tư.

Cùng với các hình thức khen thưởng, động viên đội ngũ thì công chức ở khu vực công vẫn đang nhận lại những giá trị tương xứng với năng lực. Do vậy, tôi nghĩ đây không hẳn là lý do chính.

Ở đâu cũng sẽ có những người giỏi, ở đâu cũng có những con người với mục tiêu riêng của mình. Và dù ở môi trường nào thì công chức cũng sẽ luôn phấn đấu, học hỏi và tạo ra những giá trị riêng của mỗi người. Đó là điều chúng ta cần trân trọng.

. Vậy có khi nào chị nghĩ sẽ rời khu vực công?

+ Làm việc và cống hiến trong môi trường nhà nước suốt 15 năm, trong tôi hình thành sự đam mê, dần xác định được trách nhiệm của mình với nền công vụ mà tôi đang tham gia, với vị trí của một công chức.

Hiện tại, tôi cũng là người chấp bút, tham mưu để sở xây dựng các nghị quyết. Tôi luôn theo dõi, xem chính sách mà mình đề xuất hiệu quả ra sao, còn điều gì cần điều chỉnh cho phù hợp hay không… Chính xác thì đó là cảm giác muốn dõi theo những gì mình đã làm và tiếp tục chăm chút cho nó lớn hơn, tạo ra giá trị thực sự. Đó cũng là trách nhiệm với công việc, với nền công vụ mà tôi đang làm và tôi muốn theo đuổi đến cùng.

Cán bộ UBND quận Phú Nhuận, TP.HCM hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính tại đơn vị. Ảnh: THUẬN VĂN

Hãy một lần thử trải nghiệm trong môi trường công

. Theo chị, môi trường làm việc trong khu vực công hiện nay đã tạo điều kiện để một cá nhân có thể phát triển?

+ TP.HCM đang mong muốn đưa quản lý nhà nước ngày càng tiệm cận với khu vực tư. Ở đâu cũng vậy, quan trọng nhất là cần tạo điều kiện để nhân tố tích cực trong công việc có môi trường phát triển về vị trí, năng lực. Ở đâu cũng có sự cạnh tranh, dù là công hay tư chứ không hẳn chỉ môi trường tư nhân thì sự cạnh tranh mới cao.

Bây giờ, TP.HCM đang dần đổi mới tư duy, dần tiến tới xã hội hóa, hợp tác công - tư trong các dự án để đôi bên cùng có lợi thì có lẽ dù làm ở khu vực nào cũng là cống hiến chung cho sự phát triển của TP này. Đây cũng là cơ hội để hai khối công - tư có thể hợp tác, học tập lẫn nhau.

Nếu bạn làm tốt và cống hiến hết mình thì vẫn được khen thưởng, công nhận, hưởng mức lương xứng đáng. Đó chính là điều tôi cảm nhận rõ suốt 15 năm qua.

. Là người đi trước, chị có chia sẻ gì với các bạn trẻ?

+ TP này luôn mở với tất cả mọi người, luôn tạo điều kiện cho người có năng lực làm việc. Nếu các bạn nghĩ mình có năng lực, hãy thử một lần cân nhắc tham gia vào các chính sách thu hút của TP. Đây sẽ là môi trường tốt để các bạn trải nghiệm.

TP đã trao gửi kỳ vọng đó đến với những người có tài năng, cùng tham gia vào hệ thống này với thu nhập gấp 2-3 lần so với khởi điểm của một công chức nhà nước, với đích đến cuối cùng là xây dựng một đội ngũ công chức xứng tầm, phù hợp hơn với những yêu cầu mới. Yếu tố năng động, sáng tạo và sức trẻ, tinh thần cống hiến của các bạn sẽ góp phần làm nên diện mạo mới cho đội ngũ.

. Xin cảm ơn chị.

Muốn hút người tài, rất cần cải thiện môi trường làm việc

Các tiêu chuẩn được xếp vào nhóm “người tài” mà HĐND TP.HCM đưa ra trong Nghị quyết 25 là phù hợp với tình hình đào tạo ở các cơ sở đào tạo ĐH hiện nay.

Việc chưa thu hút được nhân tài không nằm ở các tiêu chuẩn đưa ra mà nằm ở cơ chế, chính sách thu hút và môi trường làm việc. Đặc biệt, khi nằm trong quan hệ so sánh với cơ chế thu hút và môi trường làm việc của khu vực tư thì rõ ràng, khu vực công còn hạn chế.

Ở khu vực tư, để thu hút và giữ chân một nhân lực giỏi, họ sẵn sàng trả lương rất cao.

Về cơ chế tuyển dụng, khu vực công đặt nặng về quy trình, thủ tục, thời gian…

Môi trường làm việc trong khu vực công chưa đủ hấp dẫn để thu hút người tài là thực trạng phải được thẳng thắn nhìn nhận và tháo gỡ thì chính sách thu hút mới phát huy.

Một hạn chế lớn trong khu vực công là khả năng và cơ hội phát triển cá nhân. Cần thay đổi môi trường làm việc nặng tính thứ bậc từ trên xuống trong từng cấp chính quyền, trong từng cơ quan, đơn vị… Bởi như thế sẽ rất khó để thu hút những người trẻ có những hoài bão lớn, muốn cống hiến, thể hiện bản thân.

Đặc biệt, cơ chế khuyến khích tài năng, cơ chế bảo vệ những quan điểm, tư duy mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm cần được phát huy mạnh mẽ; dẹp bỏ các rào cản dẫn đến sự giới hạn tài năng và nhu cầu phát triển chính đáng của người tài.

Thực tiễn trong sử dụng, quản lý người tài, người giỏi ở một số trường hợp ở nước ta thời gian qua đã tạo nên định kiến… Hơn nữa, trong khi khu vực tư coi lao động là một sản phẩm siêu lợi nhuận thì khu vực công, dù có cải tiến nhiều hơn, vẫn quẩn quanh trong quan niệm truyền thống. Với cơ chế quản lý hành chính chặt chẽ, công chức luôn được gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ, sự phục vụ là trước hết; cơ hội để thỏa hiệp, yêu cầu, đề nghị một chính sách nào đó một cách bình đẳng như khu vực tư là chưa nhiều.

Bên cạnh đó, áp lực công việc, áp lực trách nhiệm lại rất lớn và với cơ chế như hiện nay, dù ở vị trí quản lý hay phụ trách chuyên môn thì khả năng, nguy cơ sai phạm là khá cao trong khi cơ chế bảo vệ người tài, người dám nghĩ, dám làm chưa đủ mạnh.

Công bằng mà nói, Nhà nước luôn là nơi mà người giỏi muốn cống hiến đầu tiên. Điều quan trọng là cần thay đổi những cái có thể thay đổi được, để môi trường nhà nước thực sự là nơi người tài được thấy mình giàu có về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với địa phương, với đất nước, với dân chúng.

Những thay đổi ấy bắt đầu từ sự minh bạch, công khai, khách quan trong tuyển dụng hay thu hút, sau đó thay đổi đến môi trường làm việc để giữ chân người tài…

Cần có nhiều hơn những tấm gương thành công, phát triển của những người tài, cần tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở giáo dục ĐH chính sách thu hút như một trong những việc phải làm để khẳng định về tính xác thực, minh bạch của chính sách, để người tài nhận được sự trân trọng ban đầu ngay từ chính nơi muốn thu hút mình.

Quan trọng nhất, cần cải tiến môi trường làm việc trong khu vực công. Ngoài việc ban hành các chính sách luật hướng đến người tài thì trong việc sử dụng, quản lý nhân sự, cần hình thành văn hóa quản lý, sử dụng nhân sự công bằng, khách quan, minh bạch.

Để thu hút người tài cần thấu hiểu những tính cách, quan điểm làm việc, nhu cầu được cống hiến của người tài, để tạo ra môi trường làm việc, phấn đấu vừa phù hợp chuyên môn, vừa khai thác được tài năng, vừa xây dựng mối quan hệ gắn kết, giữ chân người tài.

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới