Chỉ được sửa chữa lời khai ngay tại chỗ

Cụ thể, tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành) cho biết rất nhiều lời khai của các nhân chứng và các bị cáo tại ngoại đã bị sửa. Riêng lời khai của nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên, người duy nhất được cho là nhìn thấy Thành đánh anh Kiều) có đến vài chục sự thay đổi. Từ đó luật sư Thắng đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung và khởi tố vụ án khai báo gian dối (với các nhân chứng liên quan - NV) và làm sai lệch hồ sơ vụ án (với những người tiến hành tố tụng liên quan - NV).

Tuy nhiên, đại diện VKS đã cho rằng do thời gian điều tra kéo dài, các bị cáo, nhân chứng khai có sai sót nên sau đó sửa lại. Mặt khác, khi vụ án mới xảy ra các nhân chứng bị bất ngờ nên sợ, né tránh. Khi cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc, các nhân chứng mới thấy trách nhiệm của mình nên khai lại, khai đúng. Việc sửa chữa được thông qua người khai và người ghi lời khainên đúng quy định… Do đó không có căn cứ để trả hồ sơ như đề nghị của luật sư.

HĐXX đã chấp nhận lập luận của đại diện VKS và bác đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung của luật sư.

Vậy luật quy định về việc sửa chữa lời khai ra sao? Khoản 1 Điều 132 BLTTHS (về việc hỏi cung bị can) quy định mỗi lần hỏi cung đều phải lập biên bản, biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Khoản 2 điều luật này cũng quy định rõ sau khi hỏi cung, điều tra viên đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trong trường hợp có bổ sung, sửa chữa biên bản thì bị can và điều tra viên cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản... Điều136 BLTTHS (về việc ghi lời khai của người làm chứng) cũng quy định tương tự như trên.

Theo TS Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) và luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), luật cho phép cơ quan điều tra sửa chữa, bổ sung lời khai của bị can, nhân chứng. Tuy nhiên, phải hiểu đúng luật là ngay tại khoản 1 Điều 132 BLTTHS đã giới hạn về thời điểm được phép làm chuyện này trong cụm từ “mỗi lần hỏi cung”. Có nghĩa là việc bổ sung, sửa chữa lời khai ấy phải được thực hiện ngay tại chỗ, trước khi kết thúc buổi hỏi cung hoặc buổi lấy lời khai của cơ quan tố tụng.

Theo hai chuyên gia này, việc sửa chữa lời khai chỉ hợp pháp khi hội tụ đủ hai điều kiện là phải sửa ngay tại chỗ trong buổi hỏi cung đó và cả người tiến hành tố tụng lẫn bị can, nhân chứng đều phải ký xác nhận vào chỗ sửa chữa đó. Ở đây, theo lý giải của đại diện VKS tại tòa thì rõ ràng việc sửa chữa này đã bị kéo dài qua nhiều ngày, với nhiều người và nhiều nội dung.

Không phải ngẫu nhiên mà BLTTHS quy định trong mỗi bản cung, bản lấy lời khai đều phải ghi ngày tháng, bắt đầu từ mấy giờ, mấy phút và kết thúc lúc mấy giờ, mấy phút cùng ngày. Như vậy, việc đại diện VKS và HĐXX trong phiên tòa sơ thẩm cho rằng việc sửa chữa lời khai trên là đúng thì rõ ràng đã áp dụng sai luật.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm