Chiều nay (15-4), TAND tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức họp báo ngay sau khi tuyên án, kết thúc phiên tòa sơ thẩm xử lại vụ án dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa.
Giấy mời họp báo do ông Lê Văn Phước, Chánh án TAND tỉnh Phú Yên ký, nêu mục đích cuộc họp báo nhằm “kịp thời phản ánh đúng sự thật khách quan về kết quả giải quyết vụ án dùng nhục hình, đảm bảo nhận thức xã hội đúng đắn về nội dung vụ án và quá trình giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Sáu bị cáo cựu sĩ quan công an tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TẤN LỘC
Như PLO đã thông tin, phiên tòa sơ thẩm xử lại vụ án công an ở Phú Yên đánh chết người đã diễn ra từ sáng 7-4 và kết thúc phần tranh luận vào chiều 13-4. Tòa nghỉ nghị án, dự tính chiều nay sẽ tuyên án.
Theo đó, trong phần luận tội, trình bày quan điểm xét xử vụ án, đại diện VKSND tỉnh Phú Yên được VKSND Tối cao ủy quyền thực hành quyền công tố tại phiên tòa, đề nghị HĐXX phạt Lê Đức Hoàn (thượng tá, nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa) 9-12 tháng tù cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. VKS cũng đề nghị tuyên năm bị cáo cựu sĩ quan công an cùng phạm tội dùng nhục hình, với mức án Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát Công an TP Tuy Hòa) 7-8 năm tù; hai bị cáo Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội- PC45 Công an tỉnh Phú Yên), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) mỗi bị cáo 2,5-3 năm tù; Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) hai năm đến 2,5 năm tù; Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) 2 năm đến 2 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo.
Bị cáo Lê Đức Hoàn, nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa tại phiên tòa. Ảnh: TẤN LỘC
Kết quả xét hỏi tại phiên tòa cho thấy: do nghi liên quan đến các vụ trộm cắp, Lê Đức Hoàn chỉ đạo các bộ cấp dưới đến nhà mời Ngô Thanh Kiều về mời làm việc. Tuy nhiên, lúc 3g sáng 13-5-2012, một nhóm công an đã đến nhà kiểm tra hành chính rồi bắt, còng tay, dẫn giải Kiều về Công an TP Tuy Hòa. Tại đây, trong khi quá trình lấy lời khai anh Kiều, các bị cáo Quyền, Mẫn, Quang, Huy, Thành đã dùng gậy cao su đánh, không cho ăn, làm nạn nhân tử vong.
VKSND cho rằng Lê Đức Hoàn được giao nhiệm vụ làm trưởng ban chuyên án nhưng không kiểm tra sâu sát để cấp dưới dùng nhục hình dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là làm chết người. Tại phiên tòa, Hoàn cũng thừa nhận hành vi phạm tội, mong gia đình nạn nhân tha thứ, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Các bị cáo Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Đỗ Như Huy xin được hưởng án treo, Nguyễn Tấn Quang xin HĐXX cho mức án nhẹ nhất. Riêng bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều khẳng định không đánh anh Kiều. Tại phiên tòa, Thành tiếp tục kêu oan, đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án do có dấu hiệu thông cung, mớm cung từ các bị cáo tại ngoại đến nhân chứng là cán bộ công an. “Nếu tôi có tội, cứ tuyên tôi với mức án cao nhất”- Thành nói lời sau cùng.
LS Nguyễn Văn Thắng, bào chữa cho bị cáo Thành đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung do có nhiều vi phạm về tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố; việc giám định pháp y có nhiều vi phạm, có dấu hiệu đánh tráo mẫu, cần giám định lại; lời khai các nhân chứng liên tục thay đổi, có nhiều mâu thuẫn, hồ sơ vụ án bị sửa chữa, có dấu hiệu bị tiêu hủy, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…
LS Thắng còn cho rằng có sự hợp thức hóa thủ tục nhằm bao che cho tội phạm khi viện dẫn tài liệu vụ án cho biết sau khi anh Kiều chết, tối 13-5-2012, lãnh đạo Công an tỉnh, VKS tỉnh, các phòng PC45, PC44, Công an TP Tuy Hòa họp thống nhất cho Công an TP Tuy Hòa hoàn tất các thủ tục còn thiếu trong việc bắt giữ anh Kiều. Sau đó, Lê Đức Hoàn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hợp thức hóa về mặt thủ tục việc bắt giữ anh Kiều.
Đại diện VKS giải thích việc các nhân chứng thay đổi lời khai, hồ sơ vụ án có sửa chữa là “Do khi vụ án mới xảy ra các nhân chứng bất ngờ, sợ, né tránh. Khi Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao vào, các nhân chứng mới thấy trách nhiệm của mình nên khai lại, khai đúng. Do đó, việc sửa chữa hồ sơ là bình thường”.
Nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên), người được đại diện VKS cho là “nhân chứng đặc biệt” của vụ án, thanh minh tại tòa: “Quan điểm của tôi là khai càng ít càng tốt, biết càng ít càng tốt cho bản thân tôi. Thời điểm đó, tôi có suy nghĩ giấu được cái gì thì giấu!”.
Người thân của nạn nhân đau đớn khi nghe nhắc lại việc anh Ngô Thanh Kiều bị đánh đập, bỏ đói. Ảnh: TẤN LỘC
Đại diện gia đình bị hại cũng đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung do không chấp nhận việc xử các bị cáo tội dùng nhục hình mà yêu cầu xử tội giết người. Gia đình nạn nhân cũng yêu cầu khởi tố Lê Đức Hoàn, Nguyễn Trần Nguyên Phúc (cán bộ Công an TP Tuy Hòa), Nguyễn Văn Lai (cán bộ Công an huyện Tây Hòa), Nguyễn Văn Thắng (Trưởng Công an xã Hòa Đồng) và nhiều người liên quan tội bắt giữ người trái pháp luật; yêu cầu xử lý hình sự đối với ông Lê Hải Phú (cán bộ Công an TP Tuy Hòa, người bị một số bị cáo khai là nhìn thấy đánh, đá anh Kiều; đề nghị giám định pháp y lại để làm rõ các vết thương nghi cháy do roi điện, làm rõ các vết thương trên vùng đầu và trong nội tạng của nạn nhân do ai đánh… Tuy nhiên, đại diện VKS đã bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của các luật sư, gia đình bị hại với lý do các yêu cầu trên không có căn cứ.