Ngày làm việc thứ ba (9-4) phiên tòa sơ thẩm xử lại vụ công an Phú yên đánh chết anh Ngô Thanh Kiều đã hé lộ thêm nhiều tình tiết mới khi đại diện gia đình bị hại lên tiếng.
Công an huyện Tây Hòa còng tay bắt đi
Bà Ngô Thị Tuyết (chị ruột anh Kiều - người bị các công an đánh chết khi lấy lời khai do nghi liên quan đến các vụ trộm cắp) không đồng ý với nhiều nội dung trong cáo trạng của VKSND Tối cao, trong đó có việc Công an TP Tuy Hòa phối hợp với Công an huyện Tây Hòa bắt giữ anh Kiều.
Bà Tuyết và các luật sư nhắc lại lời khai của bị cáo Lê Đức Hoàn (thượng tá, nguyên phó Công an TP Tuy Hòa) tại phiên tòa này là nhiều lần khẳng định không chỉ đạo bắt anh Kiều mà chỉ yêu cầu cấp dưới mời nghi can đến Công an TP Tuy Hòa làm việc. Thế nhưng anh Kiều đã bị còng tay, bắt đi lúc 3 giờ sáng 13-5-2012.
Chị Trần Thị Tâm (vợ anh Kiều) kể: “Ngày 12-5-2012, Công an xã Hòa Đồng đến nhà tôi đưa giấy mời chồng tôi đến Công an huyện Tây Hòa làm việc vào sáng hôm sau. tôi hỏi ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Công an xã Hòa Đồng, mời làm việc gì thì ông Thắng nói không có chuyện gì quan trọng đâu, chỉ là xô xát ngoài đường cần giải quyết thôi. Lúc 3 giờ sáng 13-5-2012, một nhóm công an, trong đó có ông Nguyễn Văn Thắng đến nhà tôi. Chồng tôi chào hỏi, mời các anh hút thuốc đàng hoàng nhưng sau đó họ còng tay chồng tôi rồi đưa đi”.
Các bị cáo nguyên là cán bộ công an tại phiên tòa (bìa trái là bị cáo Lê Đức Hoàn, nguyên phó Công an TP Tuy Hòa). Ảnh: TẤN LỘC
Bà Tuyết khẳng định em trai mình không có dấu hiệu bỏ trốn. Bà đưa ra một số giấy xác nhận của người dân địa phương, trong đó có người được anh Kiều nhờ sẽ chở đến Công an huyện Tây Hòa làm việc theo giấy mời. Theo lời khai của nhân chứng Trần Phương Nam (cán bộ Công an TP Tuy Hòa), khi đến nhà anh Kiều, ông Nguyễn Văn Lai, cán bộ Công an huyện Tây Hòa, là người còng tay anh Kiều. Tuy nhiên, ông Nam không trả lời được câu hỏi của chủ tọa phiên tòa là vì sao còng, ai chỉ đạo đi bắt anh Kiều.
Bà Tuyết đề nghị HĐXX làm rõ nếu ông Hoàn không chỉ đạo bắt người thì vì sao khi thấy anh Kiều bị còng tay đưa về Công an TP Tuy Hòa, ông Hoàn không có ý kiến gì. “Nếu em tôi phạm tội, cần bắt khẩn cấp hay tạm giam, tạm giữ, tại sao sau khi còng tay bắt em tôi đưa về, trong ngày 13-5-2012, Công an TP Tuy Hòa không hề ra lệnh bắt hay có quyết định tạm giam, tạm giữ, cũng không hề đến VKS ký phê chuẩn lệnh bắt? Tôi đề nghị HĐXX làm rõ tội bắt giữ người trái pháp luật trong vụ án này” - bà Tuyết bức xúc.
Theo lời khai của nhân chứng Trần Minh Cường (đang là bị án và là chủ mưu trong vụ án trộm cắp tài sản mà anh Kiều là nghi can), ngay sau khi nghe vợ anh Kiều gọi điện thoại báo Kiều đã bị bắt, lúc 7 giờ 30 sáng 13-5-2012, Cường đến Công an TP Tuy Hòa đầu thú nhằm “khai trước Kiều”. Theo Cường, do Cường đã thống nhất trước đó là không khai gì nên trong buổi sáng cùng ngày, những nghi can trong vụ án trộm cắp hầu như chưa khai gì về việc trộm cắp. Do đó, theo luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại, tại thời điểm anh Kiều bị bắt, Công an TP Tuy Hòa chưa có chứng cứ gì để bắt anh Kiều.
Yêu cầu giám định lại
Gia đình bị hại cũng không chấp nhận kết quả giám định pháp y, đồng thời nêu ra hàng loạt vấn đề cho rằng Trung tâm Pháp y Phú Yên đã cố tình bỏ qua nhằm bao che cho tội phạm hoặc cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án. Theo bà Tuyết, ngay từ khi chứng kiến khám nghiệm tử thi nạn nhân Kiều, bà thấy nhiều chuyện bất thường. “Tôi thấy cả thân thể em tôi bị bầm dập hết nhưng họ không chịu mổ mà bảo không bị sao đâu. Đến khi chúng tôi yêu cầu gay gắt, họ mới chịu mổ. Khi mổ, họ không chịu cạo tóc, khi tôi phản đối họ mới làm. Khi mổ ra mới thấy trong đầu em tôi có rất nhiều chỗ tụ máu, nhất là vùng não chứ không chỉ ba vết thương như kết luận giám định pháp y”.
Cũng theo bà Tuyết, khi khám nghiệm, bà thấy tinh hoàn em mình bị dập, sưng bầm nhưng pháp y bỏ qua. Khi bà yêu cầu, họ mới chịu khám nhưng không đưa vào kết luận. “Vợ chồng tôi đã quay phim đầy đủ tình trạng thương tích của Kiều khi khám nghiệm, phần lớn lục phủ ngũ tạng đều bị tổn thương nặng, tụ máu, nhiều chỗ dập nát, xuất máu… nhưng pháp y kết luận chỉ xung huyết, nhiều bộ phận không đề cập. Trong khi trên thi thể em tôi có đến 72 vết thương nhưng các bị cáo chỉ khai nhận đánh tổng cộng 11 cái. Vậy ai đã gây ra những vết thương kia?”.
Đại diện gia đình bị hại cũng không chấp nhận xử tội dùng nhục hình mà đề nghị xử tội giết người.
Theo bà Ngô Thị Tuyết, trước phiên tòa, gia đình một số bị cáo có đến gia đình nạn nhân đưa hàng chục triệu đồng để vận động gia đình viết đơn bãi nại. Gia đình bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) đề nghị nếu viết giấy bãi nại sẽ đưa 50 triệu đồng mà không tính vào khoản bồi thường, khắc phục hậu quả. Sau phiên tòa sơ thẩm trước đây, ông Lê Đức Hoàn mang 20 triệu đồng đến gửi cho gia đình mong tha thứ. “Tôi bảo họ nếu khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho gia đình thì nhận chứ tôi không viết bãi nại. Tôi nói tùy theo thái độ ăn năn hối cải của họ mà tại tòa, gia đình sẽ đề nghị giảm nhẹ hình phạt hay không. Tuy nhiên, họ chỉ nằng nặc yêu cầu có giấy bãi nại và thực tế tôi thấy họ không hề ăn năn hối cải...” - bà Tuyết nói.
“Giấu được cái gì thì giấu!” Trong ngày 9-4, HĐXX cũng hỏi các nhân chứng là cán bộ công an để làm rõ việc có hay không Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên trinh sát Công an TP Tuy Hòa) dùng gậy cao su đánh vào đầu anh Kiều gây chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong. Theo lời khai của nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Phú Yên), ông này thấy Thành dùng gậy cao su đánh anh Kiều 2-3 cái từ trên xuống. Luật sư bào chữa cho bị cáo Thành viện dẫn nhiều bút lục cho thấy lời khai của nhân chứng Đại rất mâu thuẫn trong quá trình điều tra. Đó là khi thì khai nhìn thấy Thành đánh bằng tay phải, lúc thì khai tay trái; khi thì khai thấy anh Kiều ngồi quay lưng về hướng nam, khi thì khai thấy lưng quay về phía đông; lúc thì thấy anh Kiều bị còng một chân vào ghế, tại tòa lại khai chỉ thấy còng tay vào phía sau, không thấy còng chân… Khi bị truy vấn vì sao liên tục thay đổi lời khai, ông Đại lặp đi lặp lại lời giải thích: “Lúc đầu, quan điểm của tôi là khai càng ít càng tốt, biết càng ít bao nhiêu càng tốt cho bản thân tôi bấy nhiêu. Tôi không muốn dính dáng đến vụ án này!” hoặc “Khai càng ít càng có lợi cho bản thân, càng tốt, càng nhẹ nhàng” hoặc “Thời điểm đó, tôi có suy nghĩ giấu được cái gì thì giấu! Khi cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào làm việc, tôi mới khai đầy đủ, chính xác”! Trong khi đó, hầu hết nhân chứng là cán bộ công an còn lại đều có chung điệp khúc “Lâu quá tôi không nhớ!”. |