Vụ án này xảy ra tại huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu. TAND huyện này từng năm lần mở phiên tòa nhưng không xét xử được, trong đó ba lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Lần lượt cho tại ngoại
Theo hồ sơ, từ tháng 2 đến đầu tháng 10-2013, trên các xã Bình Trung, Bình Giã, Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) xảy ra nhiều vụ trộm cắp xe máy. Qua điều tra, đầu tháng 10-2013, Công an huyện Châu Đức đã lần lượt khởi tố, bắt tạm giam 10 bị can về tội trộm cắp tài sản. Đó là Huỳnh Sơn Long (tính thời điểm bị bắt 16 tuổi), Nguyễn Văn Toàn (17 tuổi), Trần Ngọc Sang (17 tuổi), Nguyễn Ngọc Tiến (19 tuổi), Trần Quang Nhân (19 tuổi), Hồ Văn Lợi (16 tuổi), Hồ Văn Dũng (22 tuổi), Nguyễn Trung Quân (24 tuổi), Phan Văn Hoàng (19 tuổi) và Trần Minh Hoàng (22 tuổi).
Đến tháng 1-2015, bảy bị can được tại ngoại, riêng Long, Sang và Toàn tiếp tục bị tạm giam.
Tại phiên tòa lần thứ tư ngày 6-3, sau khi TAND huyện Châu Đức tuyên bố hoãn xử, gia đình ba bị cáo bị tạm giam đã phản ứng, gần như gây rối ngay tại tòa vì cho rằng tòa kéo dài vụ án quá lâu khiến con em họ bị giam giữ quá dài.
Sau đó theo dự kiến, ngày 19-3 tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử nhưng một lần nữa, TAND huyện Châu Đức tiếp tục hoãn với lý do các vị hội thẩm bận công tác đột xuất. Đồng thời, tòa này có quyết định cho ba bị cáo còn lại là Long, Toàn, Sang được tại ngoại.
Tố bị bức cung, nhục hình để ép nhận tội
Trước và sau thời điểm được tại ngoại, Long cùng các bị cáo khác đã đồng loạt làm đơn kêu oan và tố cáo bị bức cung, nhục hình và ép nhận gây ra sáu vụ trộm xe. Long là người bị bắt đầu tiên, sau đó từ lời khai của Long, công an bắt giữ chín bị cáo khác.
Long kể: “Ngày 2-10-2013, em đang mua xăng tại cây xăng thì bị bắt xe, đưa về Công an thị trấn Ngãi Giao. Sau đó hai cán bộ công an huyện xuống làm việc, nói em trộm xe máy. Em không nhận thì bị chích điện vào ngực, hông. Em chịu không nổi nên ký tên để khỏi bị đánh. Từ đây em khai ra tên những người em chơi cùng rồi tất cả đều bị bắt”.
Bị cáo khác là Nguyễn Ngọc Tiến cho hay do bị đánh, không chịu nổi nên mới ký nhận tội và viết theo bản tự khai của Long. Tại phiên xử ngày 22-9-2014, Tiến và các bị cáo khác đã khai bị công an ép cung, vì thế phiên tòa bị tạm hoãn.
(Từ phải qua) Các bị cáo Long, Hoàng, Tiến, Toàn đang trình bày với PV. Ảnh: LT
“Trong thời gian hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung, có lần kiểm sát viên đưa điện thoại cho em nói chuyện với gia đình. Em được tại ngoại với điều kiện phải ký nhận tội - Tiến nói.
Bà Bùi Thị Hường - mẹ của bị cáo Nguyễn Văn Toàn kể: “Khi đi thăm con, tôi khuyên cháu nhận tội, nói rằng đã đóng đủ tiền bồi thường rồi. Nhưng cháu kiên quyết nói không có tội, bị ép cung, tôi không phải lo cho cháu. Trong số những vụ trộm, có vụ Toàn có bằng chứng ngoại phạm, có nhân chứng nhưng cháu vẫn bị ép nhận tội”.
Vụ án không tang chứng, vật chứng
Ngoài lời khai của các bị cáo, Công an huyện Châu Đức không thu được các xe bị mất, đoản khóa để trộm xe. Đối tượng tiêu thụ được nhắc đến trong sáu vụ trộm là Dương Văn Hai (ngụ xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành). Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra cho đối chứng thì các bị cáo xác định đây không phải người tiêu thụ xe.
Giữa bản cung của các bị cáo có rất nhiều tình tiết mâu thuẫn, có dấu hiệu khai lung tung, khai đại cho xong. Cụ thể ở vụ trộm xe ngày 3-9-2013 xảy ra tại thị trấn Ngãi Giao, trong các bản cung Dũng khai cả bọn đi hai xe máy, trong đó có chiếc Wave 72H6-3683 của Sang và có cả Nhân tham gia. Sang và một người khác nữa dỡ cổng rào, đi vào trộm xe. Trong khi đó, lời khai của một bị cáo khác lại nhận mình và Nhân dỡ hàng rào vào, Nhân là người bẻ khóa lấy xe. Tuy nhiên, Long lại khai vụ này Nhân và Sang là người đã dỡ hàng rào. Kỳ cục hơn, trong khi ở hai bản cung, lúc Sang nhận mình mới là người cùng Long dỡ hàng rào vào trộm xe, Long bẻ khóa lấy xe nhưng sau đó Sang lại khai chính Sang cùng Nhân dỡ hàng rào, Nhân lấy xe đi.
Bị cáo Nhân khẳng định mình không thể nào tham gia vụ án trên. Bởi lẽ vào thời gian xảy ra vụ án, Nhân làm bốc vác ở chợ Thủ Đức (TP.HCM), bị tai nạn gãy chân, nằm bệnh viện đến 15-9-2013 mới về thị trấn Ngãi Giao. Bị cáo không hiểu vì sao các bị cáo khác lại khai mình tham gia vụ trộm này.
Còn Sang thì khai lại rằng Nhân không tham gia vụ án; thời điểm gây án chiếc xe của Sang đang bị Công an thị trấn Ngãi Giao tạm giữ vì vi phạm giao thông. Đến 9-9-2013 Sang mới đi đóng tiền phạt để lấy xe ra (có biên bản kèm theo). Việc khai thêm Nhân và chiếc xe vào là do các bị cáo nhớ nhầm.
Ở kết luận điều tra đầu tiên, tên của Nhân đã không còn xuất hiện trong vụ trộm này (vụ trộm ngày 3-9-2013). Nhưng tình tiết chiếc xe biển số 72H6-3683 của Sang để đi trộm thì vẫn còn. Ở các kết luận điều tra bổ sung và cáo trạng sau này đã không nhắc tới chiếc xe là phương tiện gây án nữa. Việc ai vào lấy xe cũng không được ghi rõ mà chỉ viết chung chung, không nói cụ thể ai đã dỡ rào, ai lấy xe…
Em điều tra, chị kiểm sát, được không? Điều đặc biệt là trong vụ án này, hai người tiến hành tố tụng lại có quan hệ chị em ruột với nhau. Đó là kiểm sát viên Võ Thị Minh Nguyệt (chị, người được giao kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố tại tòa) và điều tra viên Võ Thanh Bình (em, người trực tiếp điều tra vụ án). Đặc biệt hơn nữa, một trong những vụ trộm cắp trong vụ án lại xảy ra ngay tiệm Internet của nhà kiểm sát viên Minh Nguyệt (vụ mất trộm xảy ra hôm 30-9-2013 tại quán Internet Khánh Minh, thị trấn Ngãi Giao). Đây là điều khá lạ trong tố tụng hình sự. Được biết hiện nay cơ quan tố tụng đã có quyết định thay đổi thẩm phán xét xử và kiểm sát viên thụ lý vụ án này. |