Chi phí lao động Việt phải bỏ ra để sang Nhật Bản làm việc quá cao

(PLO)- Số tiền mà lao động Việt Nam phải vay nợ để sang Nhật Bản lao động cao hơn Trung Quốc, Campuchia và cao gấp bốn lần Philippines. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng Nhật Bản, số tiền nộp và số vay nợ trung bình của thực tập sinh kỹ năng Việt Nam khi đi làm việc tại Nhật Bản là 670.000 yen (khoảng 120 triệu đồng). Đây là mức cao nhất trong 15 nước phái cử lao động sang Nhật Bản. Từ thực tế này, Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp để giảm chi phí người lao động phải đóng về mức “zero”.

Đây là nội dung chính được đưa ra tại diễn đàn giao lưu phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam - Nhật Bản năm 2023, do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 5-4.

Ông Ise Hiroaki, Hiệp hội Thân thiện Quốc tế Nhật Bản (JIFA), cho biết hiện nay có tới 56% thực tập sinh tại Nhật Bản là người Việt. Trung bình số tiền người lao động Việt vay nợ để đi Nhật làm việc cao hơn Trung Quốc, Campuchia và cao gấp bốn lần Philippines.

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: V.LONG

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: V.LONG

Nguyên nhân khiến các thực tập sinh phải gánh chi phí cao, mang nợ lớn là do có nhiều thông tin sai lệch, các hành vi không tuân thủ quy định cấm thu tiền thế chấp, bảo lãnh. Đặc biệt, chi phí cho người môi giới đã cấm nhưng nhiều nơi vẫn không tuân thủ. Việc ít có các cơ sở giáo dục, đào tạo tại địa phương khiến người lao động phải gánh chi phí đi lại, ăn ở tại các trường dạy tiếng Nhật ở tận Hà Nội, TP.HCM...

Để hạn chế tình trạng trên, bà Ikeda Setsuko, Chủ tịch JIFA, cho biết hội đã triển khai “dự án phí Zero” ở Hà Tĩnh từ năm 2014 và đến nay hỗ trợ cho khoảng 600 thực tập sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh.

“Dự án lựa chọn mỗi huyện giới thiệu hai học sinh xuất sắc và hỗ trợ học phí trong 4 năm từ lớp 9 cho đến hết trung học phổ thông và hiện thực hoá ước mơ đến Nhật Bản mà không phải vay nợ cho các em…” - bà Ikeda Setsuko cho hay.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết theo quy định mới thực tập sinh kỹ năng, hộ lý, lao động đặc định (người lao động tới Nhật Bản làm việc theo diện visa), khi đi làm việc tại Nhật Bản không phải trả tiền môi giới, tiền ký quỹ, tiền giáo dục định hướng.

Người lao động chỉ phải trả tối đa 1 tháng lương theo hợp đồng/1 năm làm việc, tối đa không quá 3 tháng lương và được trừ đi phần phí quản lý, phí dịch vụ do bên tiếp nhận chi trả. Đối với tiền đào tạo nghề, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản, người lao động chỉ chi trả một phần theo quy định, đối với lao động đặc định thì bên tiếp nhận hỗ trợ toàn bộ.

Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 100.000 thanh niên Việt Nam ưu tú, xuất sắc sang Nhật Bản làm việc và trở thành cộng đồng người nước ngoài đông thứ hai tại Nhật Bản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm